LSO-Trong 5 năm gần đây, khi quy mô giáo dục phổ thông của huyện Tràng Định khá ổn định và với 2 trường THPT với khả năng thu hút phần lớn học sinh tốt nghiệp THCS vào học thì “áp lực” lên ngành học giáo dục thường xuyên (GDTX) đã ngày càng giảm bớt. Do có loại hình bổ túc xã, nên học sinh Trung tâm GDTX Tràng Định có xu hướng xin “chuyển địa bàn”.
Học sinh Trung tâm GDTX Tràng Định trong giờ thực tập hàn kim loại
Năm học 2012-2013, toàn huyện Tràng Định có trên 720 học sinh dự thi vào cấp THPT, chiếm tỷ lệ 90% số học sinh tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012 trên địa bàn, số trúng tuyển vào Trường THPT Tràng Định và Trường THPT Bình Độ là trên 650 em. Như vậy chỉ còn khoảng 70 học sinh có nguyện vọng học lên cấp THPT mà chưa được đáp ứng. Tuy nhiên, Trung tâm GDTX huyện cũng chỉ xét tuyển được 31 học sinh lớp 10 bổ túc THPT. Về nguyên nhân, theo ông Lưu Văn Thủy, Giám đốc Trung tâm thì hầu hết các đối tượng đều ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện từ 15-20 km, thậm chí rất xa như học sinh ở các xã Tân Yên, Khánh Long, Đoàn Kết cách trung tâm huyện từ 35 đến trên 50 km. Mặc dù Trung tâm đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đối với các đối tượng này như học văn hóa, học nghề, miễn giảm các khoản đóng góp, song do nhà xa, gia đình nghèo, lại là những lao động trụ cột trong gia đình nên các em không thể trọ học.
Đề án bổ túc THPT xã, cụm xã đã mở ra cơ hội lớn cho thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có cơ hội học lên để nâng cao trình độ văn hóa. Khắc phục nhiều khó khăn về điểm mở lớp, đội ngũ giáo viên và đường sá xa xôi, năm học 2011-2012, Trung tâm đã mở được 6 lớp tại các xã như Chi Minh, Quốc Khánh, Tri Phương, Kháng Chiến, Hùng Việt, Đề Thám với 145 học viên. Năm học 2012-2013 tiếp tục mở thêm 1 lớp tại xã Bắc Ái với 41 học viên. Sự nhiệt tình của đội ngũ giáo viên cộng với tinh thần ham học của thanh niên các địa phương nên các lớp này được duy trì khá tốt về sĩ số và đảm bảo chương trình. Tuy nhiên, qua 1 năm thực hiện, chất lượng các lớp bổ túc xã cũng còn nhiều vấn đề. Cô giáo Quách Linh Trang, giáo viên môn Ngữ văn phụ trách lớp bổ túc THPT xã Chí Minh cho biết, đường vào xã Chí Minh rất khó đi, bản thân cô đã nhiều lần ngã xe trên những dốc đá trơn trượt, song bằng tình yêu nghề nghiệp cô và các bạn đồng nghiệp vẫn bám lớp, bám học sinh để dạy đủ chương trình và đảm bảo chất lượng. Cô phân tích: “Học sinh bổ túc xã có người mới tốt nghiệp THCS năm ngoái, hoặc cách đây vài năm, kiến thức chưa bị “hổng” nhiều nên tiếp thu tốt; song có những người “bị lỡ” cách đây 5-7 năm, thậm chí hàng chục năm, kiến thức quên hết, rất khó “bù” lại. Nhìn chung, trình độ của học viên không thể đồng đều như ở ngoài trung tâm được. Đội ngũ giáo viên đã có ý thức phụ đạo thêm cho các em, song do quỹ thời gian quy định nên cũng chỉ được phần nào.”
Điều kiện học tập của các lớp bổ túc xã tất nhiên không thể bằng các lớp Trung tâm, song hiện nay lại có tình trạng học viên của Trung tâm xin về học tại lớp bổ túc xã với lý do rất “chính đáng” là về học gần nhà để đỡ chi phí tiền ăn, ở khi phải trọ học. Về vấn đề này, Giám đốc Lưu Văn Thủy cho rằng, với những lý do đó, Trung tâm không thể từ chối, từ đầu năm học đến nay đã có trên 10 học sinh lớp 10 và lớp 11 xin chuyển lớp về địa bàn như vậy. Các lớp bổ túc tại Trung tâm ngày càng “teo” lại là một thực tế, nếu năm học 2011-2012, Trung tâm GDTX Tràng Định có 318 học sinh, trong đó có 3 lớp 10 với 92 học sinh thì năm học 2012-2013 này chỉ còn 220 học sinh, trong đó chỉ có 1 lớp 10 với 31 học sinh. Ngược lại, khối bổ túc xã, cụm xã đã tăng và nhu cầu mở lớp bổ túc THPT xã và cụm xã ở Tràng Định còn nhiều. Vì vậy, song song với việc định hướng để Trung tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chức năng của mình, cần tăng cường nguồn lực và áp dụng các giải pháp mới cho việc nâng cao trình độ văn hóa cho đội ngũ lao động các xã. Vì thực tế, vẫn còn rất nhiều thanh niên có nhu cầu, trong đó có cả nhưng thanh niên không trúng tuyển vào 2 trường THPT, những thanh niên đang học THPT song do nhiều nguyên nhân phải bỏ học (từ đầu năm đến nay, riêng Trường THPT Tràng Định đã có 25 em học sinh lớp 10 bỏ học). Nguồn lực mà hiện nay Trung tâm GDTX Tràng Định rất thiếu đó là đội ngũ giáo viên; giải pháp dạy học từ xa mà Trung tâm GDTX huyện Lộc Bình đã áp dụng thành công rất cần được nhân rộng tại các Trung tâm, trong đó Tràng Định là địa phương cần hơn cả. Mặt khác, ngành GD&ĐT cần quy định “khung” thời gian thực hiện chương trình cho khối bổ túc THPT xã, cụm xã theo hướng từ 9 tháng/ năm học lên 10 hoặc 11 tháng/ năm học. Có như vậy, phương pháp dạy học “tăng thời lượng” mới mang lại hiệu quả.
Ý kiến ()