Trung tâm dữ liệu quốc gia - trái tim của chuyển đổi số
Quá trình triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nhất là sau một năm thực hiện Đề án theo Quyết định số 06/QĐ-TTg đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về hạ tầng, nhân lực. Hạ tầng, nền tảng số quốc gia chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra. Các nền tảng số phục vụ giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội còn thiếu. Chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương chưa hiệu quả, còn tình trạng “cát cứ” thông tin. Chất lượng, hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công mức độ cao còn hạn chế, chưa thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.
Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. (Ảnh TRẦN HẢI) |
Năm 2023 được Chính phủ xác định là năm dữ liệu, số hóa, kết nối dữ liệu và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các tiện ích, dịch vụ, thủ tục hành chính liên thông trên môi trường số ở tất cả các cấp độ, lĩnh vực. Cũng ngay trong những ngày đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc phải sớm xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, coi đây là tài sản quốc gia, đồng thời khẳng định đây là trung tâm lõi, cái gốc, nền tảng quan trọng của sự phát triển quốc gia, kinh tế số, xã hội số, công dân số, Chính phủ số trong thời đại toàn cầu hóa, công nghiệp 4.0.
Ngày 28/1/2023, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 16, thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết một năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan trình, xin chủ trương Chính phủ về đề xuất xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia. Theo đó, Trung tâm được đặt tại Bộ Công an, đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, triển khai các dự án về thu thập, xây dựng phát triển dữ liệu quốc gia về dân cư; sản xuất, cấp căn cước công dân, xác thực định danh điện tử… Bên cạnh đó, Bộ Công an có lực lượng công an ở bốn cấp, mang tính kỷ luật cao, gắn liền với các nhiệm vụ, công việc liên quan đến con người, có rất nhiều điều kiện thuận lợi thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao.
Tại Hội thảo khoa học quốc gia (lần thứ nhất) phục vụ xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia do Bộ Công an và Tổ công tác triển khai Đề án 06 tổ chức mới đây, Thứ trưởng Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, việc Chính phủ quyết định đặt Trung tâm Dữ liệu quốc gia tại Bộ Công an không có nghĩa Trung tâm này là của Bộ Công an, hay là nhiệm vụ riêng của ngành, mà đó là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành, địa phương; đồng thời cho biết, Trung tâm Dữ liệu quốc gia là trung tâm chứa đựng những dữ liệu liên quan đến con người, dữ liệu dùng chung. Các dữ liệu liên quan được kết nối, chia sẻ, phát triển mang lại hiệu quả, lợi ích cho xã hội, con người, doanh nghiệp, Chính phủ đúng mục đích.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia tại Việt Nam rất cần thiết, cấp bách, phù hợp xu thế của thế giới và yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, chưa từng có tại Việt Nam, dự báo sẽ có nhiều khó khăn, vướng mắc như về tính pháp lý, bảo mật an ninh an toàn; đòi hỏi lãnh đạo các cấp, bộ, ngành, địa phương phải đặt quyết tâm chính trị cao mới có thể hoàn thiện, đưa trung tâm vào hoạt động hiệu quả. Việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia mang tính chất kết nối, chia sẻ, do vậy cần xây dựng những trung tâm dữ liệu thành viên, vệ tinh khác. Bên cạnh đó, phải phát triển song song dữ liệu của từng lĩnh vực, từng ngành cũng như xây dựng con người phục vụ hoạt động của Trung tâm, bảo đảm hiệu quả cao. Giáo sư Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng Thí nghiệm khoa học dữ liệu, chuyên gia tư vấn của Đề án 06 khẳng định: Dữ liệu kết nối và khai thác dữ liệu chính là trái tim của chuyển đổi số, là cơ sở và động lực của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Một chiến lược dữ liệu đúng đắn sẽ tạo ra sức bật để phát triển đất nước, kinh tế-xã hội. Năm 2023, với 106 nhiệm vụ giao các bộ, ngành và 18 nhiệm vụ của các địa phương, cũng như lộ trình của Đề án 06, càng khẳng định tính cấp thiết trong việc sớm xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, khai thác dữ liệu với các công nghệ số hiện nay.
Đề cập đến góc độ động lực kết nối, chia sẻ dữ liệu, bài học trên thế giới và cơ hội của Việt Nam, PGS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa khẳng định: Dữ liệu của Chính phủ đưa ra phục vụ nhân dân, doanh nghiệp một cách toàn diện, công bằng, minh bạch là xu thế tất yếu của thời đại, không còn là lựa chọn. Lợi ích từ việc chia sẻ dữ liệu là rất lớn, góp phần tăng từ 1%-2,5% GDP, tạo ra lợi ích trực tiếp cũng như gián tiếp lên đến hàng tỷ USD. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia sẽ tạo nên nguồn dữ liệu đồng bộ, thống nhất để các bộ, ban, ngành, địa phương khai thác thống nhất, cũng như tham mưu hoạch định chính sách cho Chính phủ đúng chủ trương, sát thực tế.
https://nhandan.vn/trung-tam-du-lieu-quoc-gia-trai-tim-cua-chuyen-doi-so-post737785.html
Ý kiến ()