Trung tâm công nghệ số: Đi đầu đưa ứng dụng số vào thực tiễn
- Với vai trò dẫn dắt chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Công nghệ số, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều hoạt động đưa các ứng dụng số vào thực tiễn phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trong năm 2024, Trung tâm Công nghệ số đã nghiên cứu và ra mắt ứng dụng trợ lý ảo công chức số Xứ Lạng phục vụ cán bộ, công chức, viên chức trong triển khai nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị. Nền tảng trợ lý ảo công chức số Xứ Lạng với nhiều tính năng hữu ích như: tra cứu thông tin, soạn thảo văn bản và quản lý dữ liệu với 255 luật, 777 nghị định, 1.540 thông tư, 3.170 văn bản điều hành. Trợ lý ảo có thể đưa ra kết quả tìm kiếm chính xác đến 98,8% nội dung tìm kiếm. Đến nay toàn tỉnh đã có hơn 2.300 tài khoản đăng ký với trên 50.000 lượt truy cập. Trợ lý ảo công chức số Xứ Lạng hiện đang được đưa vào thí điểm tại một số sở, ngành của tỉnh phục vụ hữu ích cho hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức. Đây là một trong nhiều nhiệm vụ mà trung tâm triển khai với vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số.
Ông Lương Tuấn Hùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ số, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao về chuyển đổi số, chúng tôi đã tích cực nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm phát triển mô hình chuyển đổi số thành công từ các tỉnh bạn, doanh nghiệp có điều kiện phù hợp, tương đồng với tỉnh Lạng Sơn; tham vấn, phối hợp với các tập đoàn viễn thông như VNPT, Viettel để triển khai những giải pháp, ứng dụng phù hợp. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu, chúng tôi tham mưu lãnh đạo sở thí điểm thực hiện các dự án, ứng dụng dùng chung của tỉnh, đồng thời liên tục đánh giá hiệu quả để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn trước khi triển khai nhân rộng.
Để chuyển đổi số thành công, vấn đề an toàn, an ninh thông tin được trung tâm đặt lên hàng đầu. Trung tâm đã tham mưu lãnh đạo sở ban hành một số quy định, chính sách về an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh. Công tác an toàn thông tin được triển khai theo mô hình 4 lớp (lực lượng tại chỗ; giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia). Cùng đó, hệ thống phòng chống mã độc được trung tâm triển khai cho tất cả các hệ thống dùng chung trên địa bàn tỉnh; hệ thống này cũng được cài đặt cho máy chủ, máy trạm tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh. Trung tâm cũng triển khai hệ thống giám sát tập trung (SOC) đảm bảo 100% hệ thống, cơ sở dữ liệu đều được kiểm tra, giám sát thường xuyên. Tất cả hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh đều được kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn và phê duyệt cấp độ an toàn thông tin trước khi đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Chỉ tính từ năm 2024 đến nay, trung tâm đã ban hành 20 văn bản cảnh báo lỗ hổng bảo mật, cảnh báo an toàn an ninh mạng, cảnh báo các chiến dịch tấn công gửi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; 2 công văn hướng dẫn giải pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin.
Với nhiệm vụ kết nối 44 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, trong đó 24 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành trung ương và 20 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh, trung tâm đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nhập dữ liệu đầu vào như: thông tin cá nhân, hồ sơ đảng viên, thông tin về đất đai, hồ sơ thủ tục hành chính... nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu. Cùng đó, kết nối dữ liệu ban đầu với dữ liệu của các bộ, ngành góp phần tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã kết nối thành công các hệ thống thông tin dữ liệu với các bộ ngành và trên địa bàn tỉnh. Trung tâm chủ động phối hợp với các phòng, ban liên quan giám sát lưu lượng mạng internet của trung tâm tích hợp dữ liệu, các hệ thống dùng chung của tỉnh nhằm phát hiện sớm những vấn đề tiểm ẩn, giảm thời gian ngừng hoạt động và tăng cường hiệu suất của hệ thống.
Bên cạnh đó, lãnh đạo trung tâm cũng phân công cán bộ, nhân viên đảm nhiệm từng nhiệm vụ cụ thể nhằm theo dõi sát sao hoạt động của các hệ thống thư điện tử công vụ; hội nghị truyền hình trực tuyến; chữ kỹ số; tổ chức các chiến dịch truyền thông về chuyển đổi số; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến... Từ đầu năm 2024 đến nay, trung tâm đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đăng tải 474 tin, bài; chia sẻ 325 tin, bài thu hút trên 15.000 lượt theo dõi; tổ chức tuyên truyền được 109 cuộc với hơn 7.638 người nghe; tuyên truyền trên 54 hội nhóm Zalo, nhóm Facebook với trên 7.270 thành viên. Trung tâm cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức được 32 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho 9.545 học viên tham gia bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, qua đó góp phần phát triển nguồn nhân lực số, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Ông Trần Hữu Giang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Trong thời gian qua, Trung tâm Công nghệ số đã đề xuất sở tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ công tác như: vận hành Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh; triển khai tổ công nghệ số cộng đồng; vận hành các nền tảng, phần mềm số; đảm bảo an toàn hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Với những kết quả đạt được, Trung tâm Công nghệ số được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đạt thành tích hai năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2023 - 2024). Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Ý kiến ()