Trung Quốc và Nhật Bản duy trì liên lạc để cải thiện tình hình tranh chấp biển, đảo
Hãng thông tấn Ki-ô-đô của Nhật Bản dẫn phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Y.Nô-đa bên lề Khóa họp 67 của Đại hội đồng LHQ diễn ra tại Niu Oóc (Mỹ) vừa qua kêu gọi tăng cường hiệu lực luật pháp để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.Theo Ki-ô-đô, Thủ tướng Nô-đa không đề cập trực tiếp nước nào trong bài phát biểu nhằm không để leo thang căng thẳng, song rõ ràng Thủ tướng Nô-đa cố gắng vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường của Nhật Bản khi ông có động thái hiếm thấy là nêu vấn đề tranh chấp biển, đảo ra trước Đại hội đồng LHQ. Ông Nô-đa cũng kêu gọi các quốc gia liên quan kiềm chế, cho rằng các tranh chấp cần được giải quyết hợp lý và bình tĩnh, không sử dụng vũ lực.Lập tức, Bắc Kinh đã có phản ứng về phát biểu nói trên của Thủ tướng Nhật Bản Y.Nô-đa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng, Bắc Kinh "rất thất vọng" và "nghiêm túc phản đối" quan điểm của nhà lãnh đạo Nhật Bản về...
Theo Ki-ô-đô, Thủ tướng Nô-đa không đề cập trực tiếp nước nào trong bài phát biểu nhằm không để leo thang căng thẳng, song rõ ràng Thủ tướng Nô-đa cố gắng vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường của Nhật Bản khi ông có động thái hiếm thấy là nêu vấn đề tranh chấp biển, đảo ra trước Đại hội đồng LHQ. Ông Nô-đa cũng kêu gọi các quốc gia liên quan kiềm chế, cho rằng các tranh chấp cần được giải quyết hợp lý và bình tĩnh, không sử dụng vũ lực.
Lập tức, Bắc Kinh đã có phản ứng về phát biểu nói trên của Thủ tướng Nhật Bản Y.Nô-đa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng, Bắc Kinh “rất thất vọng” và “nghiêm túc phản đối” quan điểm của nhà lãnh đạo Nhật Bản về vấn đề quần đảo tranh chấp. Theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Tần Cương ám chỉ Nhật Bản khi cho rằng “quốc gia liên quan này” đã “phớt lờ sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế, công khai vi phạm chủ quyền lãnh thổ của các nước khác và phủ nhận những thành quả của Chiến tranh thế giới thứ hai”. Người phát ngôn Tần Cương nói rằng, Nhật Bản cần “đối diện với lịch sử và tuân thủ nghiêm các nguyên tắc trong luật pháp quốc tế”. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp được mô tả là “rất gay gắt” với người đồng cấp Nhật Bản Ghêm-ba tại Bắc Kinh bàn về cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Xên-ca-cư khiến quan hệ giữa hai cường quốc châu Á này rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Cuộc gặp nói trên diễn ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Ch.Ca-oai tới Bắc Kinh thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc Trương Chí Quân trong ngày 25-9 nhưng cũng không đạt được tiến bộ nào và hai bên chỉ nhất trí sẽ duy trì liên lạc để tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng hiện nay.
Tô-ki-ô cho biết, quần đảo Xên-ca-cư/Điếu Ngư nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản từ năm 1895, gồm năm đảo lớn. Tuy nhiên, cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc) đều tuyên bố chủ quyền đối với các đảo không có người ở này. Chính phủ Nhật Bản mới đây tuyên bố đã hoàn tất thỏa thuận mua ba trong số năm đảo này, gồm Ư-ô-chư-ri, Ki-ta-cô-gi-ma và Mi-na-mi-cô-gi-ma. Ba hòn đảo này vốn được Chính phủ Nhật Bản thuê lại từ một chủ sở hữu tư nhân Nhật Bản trong nhiều năm qua. Động thái này đã làm trầm trọng hơn căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong những tháng gần đây sau khi các nhà hoạt động hai nước lần lượt đến quần đảo tranh chấp này. Phía Nhật Bản bày tỏ sự thất vọng về việc Trung Quốc thông báo hoãn tổ chức các sự kiện nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản (dự kiến diễn ra ngày 27-9 vừa qua) và cho rằng điều quan trọng là hai nước cần tăng cường các quan hệ chiến lược cùng có lợi. Chính phủ Nhật Bản đã trình LHQ văn bản phản đối bản đồ hải giới quần đảo Xên-ca-cư/Điếu Ngư mà Trung Quốc mới đệ trình hồi đầu tháng 9 vừa qua. Trong văn bản trên, Nhật Bản đã khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này cũng như các đảo phụ cận. Trước đó, ngày 13-9, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông đã gặp Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun và đệ trình bản sao hải đồ, trong đó Chính phủ Trung Quốc đặt tên và tuyên bố chủ quyền đối với 17 điểm cơ sở quanh quần đảo Điếu Ngư/Xên-ca-cư. Tại Trung Quốc, làn sóng biểu tình chống Nhật Bản lan rộng ít nhất 100 thành phố, đỉnh điểm là vào ngày 18-9, đánh dấu “biến cố Mãn Châu” 81 năm trước đây dẫn tới việc quân đội Nhật Bản chiếm đóng vùng đông – bắc Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc kêu gọi người dân bày tỏ tinh thần yêu nước theo cách hòa bình và chừng mực. Cảnh sát đã được triển khai ở nhiều thành phố để giữ gìn trật tự và an ninh.
Mỹ kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc bình tĩnh và kiềm chế, cho rằng không quốc gia nào có lợi nếu tình hình hiện nay leo thang thành xung đột, phá hoại ổn định và hòa bình ở một khu vực rất quan trọng. Trung Quốc và Nhật Bản là hai đối tác thương mại lớn với tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương trong năm 2011 đạt 345 tỷ USD.
Theo Nhandan
Ý kiến ()