Trung Quốc và Brazil hối thúc giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine
Ngày 20/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi thúc đẩy hành động nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Brazil.
Ngày 20/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi thúc đẩy hành động nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Brazil.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Lula da Silva tại Brasilia, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn có "thêm nhiều tiếng nói cam kết vì hòa bình để mở đường cho một giải pháp chính trị đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine."
Ông cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao trong vấn đề này.
Về phần mình, Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh tầm quan trọng của sáng kiến chung giữa Trung Quốc và Brazil về hòa bình ở Ukraine. Ông nêu rõ trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với các cuộc xung đột vũ trang và căng thẳng chính trị, hai nước luôn đặt hòa bình, ngoại giao và đối thoại lên ưu tiên hàng đầu.
Trung Quốc và Brazil đã thúc đẩy một lộ trình chung cho hòa bình ở Ukraine. Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ của Nga, nhưng bị Ukraine bác bỏ.
Cùng ngày 20/11, trong tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) tại Brazil, 4 quốc gia Mỹ Latinh-gồm Brazil, Chile, Colombia và Mexico - kêu gọi tránh các hành động làm leo thang cuộc xung đột ở Ukraine.
Các quốc gia này nhấn mạnh rằng các hành động như cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của Ukraine vào lãnh thổ Nga, với sự cho phép của Mỹ, chỉ làm gia tăng căng thẳng và trầm trọng thêm xung đột.
Tuyên bố chung kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ các cam kết quốc tế và tập trung vào đối thoại để đạt được một giải pháp hòa bình, nhằm tránh leo thang quân sự có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho khu vực và thế giới.
Hơn 1.000 ngày nổ ra xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng vẫn chưa có đấu hiệu hạ nhiệt. Hãng RIA Novosti dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/11 cho biết lực lượng vũ trang Ukraine đã phóng 6 tên lửa đất đối đất tầm xa ATACMS của Mỹ tấn công vào tỉnh Bryansk.
Điện Kremlin cho rằng việc Washington cho phép hành động này xảy ra sẽ kéo dài cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua học thuyết hạt nhân sửa đổi, trong đó nêu rõ Nga sẽ xem mọi cuộc tấn công của một nước không có vũ khí hạt nhân nhưng được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân là một cuộc tấn công chung./.
Ý kiến ()