Trung Quốc thúc đẩy sản xuất thông minh
Từ khâu thiết kế sản phẩm, sản xuất gia công cho đến khâu lưu thông hàng hóa, các doanh nghiệp đầu bảng của Trung Quốc đang tích cực bám sát công nghệ 5G, Al, tái cơ cấu doanh nghiệp theo mô hình sản xuất thông minh.
Với hàng loạt các chính sách hỗ trợ về vốn, bản quyền cũng như công nghệ, đòn bẩy từ trung ương tới địa phương đang giúp các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện phát triển hài hòa giữa công nghệ thông tin và chế tạo, xây dựng mạng lưới sản xuất thông minh, cải cách hệ thống ngành nghề.
Trong một xưởng sản xuất không bụi thuộc tập đoàn Lenovo Vũ Hán, một dây chuyền lắp ráp, đo đạc, thử nghiệm điện thoại đi động có tên gọi “Tuyến lượng tử” được vận hành chung bởi robot và công nhân. Các bản mạch tự động hóa công năng khác nhau được phân nhóm, hoán đổi một cách linh hoạt sẽ nhanh chóng điều chỉnh quy trình kỹ thuật và các tham số sản xuất, giúp nơi đây tăng sản lượng lắp ráp từ 50 chiếc lên 125 chiếc điện thoại trong một giờ, kể từ tháng 6 năm nay.
“Tuyến lượng tử” của Lenovo đại diện cho đà tăng tốc của ngành sản xuất thông minh Trung Quốc. Tại tỉnh Hồ Nam, xưởng 18 tập đoàn công nghiệp nặng Sany được mệnh danh “Xưởng 4.0”. Với tuyến hạ tầng thiết bị đồng bộ giữa cảng biển với đất liền, xưởng sản xuất này đã rút ngắn 40% quy trình sản xuất, tăng 50% sản lượng. Với việc áp dụng công nghệ 5G vào điều khiển xe tự hành AGV, công ty Cam Túc Telecom và Hoa Thiên Electronic đã giảm thiểu tối đa thời gian vận chuyển hàng hóa.
Tencent mới đây cho biết, tập đoàn này sẽ phát triển sản xuất thông minh theo ba chiến lược lớn. Đó là công nghiệp internet; số hóa doanh nghiệp; dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Theo cuốn “Sách trắng chính sách sản xuất thông minh” được Viện nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin Trung Quốc công bố gần đây, quy mô ngành sản suất thông minh Trung Quốc hiện đã gần đạt 1.500 tỷ USD.
Ngoài những chính sách của trung ương, các địa phương của Trung Quốc cũng có nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng chỉ ra rằng, các ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp nhỏ và vừa chậm bắt nhịp với tốc độ thay đổi, hệ thống ngành nghề chưa hoàn thiện sẽ là những yếu tố cản trở sự phát triển của sản xuất thông minh.
Đại diện các doanh nghiệp cho biết, họ hy vọng Chính phủ sẽ có chính sách thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành ngọn cờ đầu, thực hiện phát triển đồng bộ. Hoặc các tập đoàn sản xuất hàng đầu Trung Quốc sẽ hợp tác với các công ty công nghệ thông tin, nghiên cứu và phát triển một ứng dụng tổng thể, phù hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tái cơ cấu công nghệ sản xuất.
Ý kiến ()