Trung Quốc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến công du In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, qua đó nâng tầm quan hệ giữa Trung Quốc với hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến thăm cũng cho thấy, Chính phủ Trung Quốc chú trọng củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các nước ASEAN.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến công du In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, qua đó nâng tầm quan hệ giữa Trung Quốc với hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến thăm cũng cho thấy, Chính phủ Trung Quốc chú trọng củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các nước ASEAN.
Trong chuyến thăm Ðông – Nam Á lần đầu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, trong chính sách ngoại giao với các nước láng giềng, Trung Quốc ưu tiên thúc đẩy quan hệ với In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, mong muốn hợp tác sâu rộng, toàn diện với hai nước này, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của Trung Quốc với từng nước, đồng thời mong muốn tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với các quốc gia thành viên ASEAN và thúc đẩy hợp tác giữa các nước Ðông Á.
Quan hệ giữa Trung Quốc và In-đô-nê-xi-a phát triển nhanh và đạt nhiều thành tựu mới trong hợp tác kể từ khi hai nước thiết lập đối tác chiến lược năm 2005. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của In-đô-nê-xi-a. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 66,2 tỷ USD năm 2012, tăng gấp bốn lần so năm 2005. Trong sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương đạt 33,84 tỷ USD, tăng 4,6% so cùng kỳ năm trước. Hai nước đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, giáo dục, văn hóa, quốc phòng, an ninh… Tại cuộc hội đàm với Tổng thống In-đô-nê-xi-a B.Giu-đô-giô-nô, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc và In-đô-nê-xi-a đều là nước đang phát triển và thị trường mới nổi quan trọng, có ảnh hưởng lớn đối với khu vực và thế giới; cùng theo đuổi những mục tiêu tương đồng về phát triển, có những mối quan tâm chung lớn đối với việc bảo đảm sự thịnh vượng và ổn định của khu vực, đồng thời có tiếng nói chung về nhiều vấn đề quốc tế. Ngoài hàng loạt văn kiện hợp tác, trong đó đáng chú ý là Tuyên bố chung “Phương hướng tương lai của đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – In-đô-nê-xi-a”, hai nước cũng ký một thỏa thuận trao đổi tiền tệ trị giá 16 tỷ USD trong ba năm nhằm hỗ trợ đồng ru-pi-a của In-đô-nê-xi-a vượt qua khủng hoảng; Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác nghề cá đánh dấu một bước mới về quan hệ đối tác trong lĩnh vực thủy sản giữa hai nước. Phía In-đô-nê-xi-a nhận định, các thỏa thuận đạt được thể hiện cam kết của Bắc Kinh gắn kết sâu rộng hơn với khu vực trong bối cảnh tình hình thế giới bất ổn.
Tại Ma-lai-xi-a, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng nước chủ nhà N.Ra-giắc khẳng định cam kết tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, đóng góp cho sự thịnh vượng, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Hai nhà lãnh đạo chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại, đầu tư song phương, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, nghề cá và tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực. Hai bên nhất trí phấn đấu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 160 tỷ USD trước năm 2017. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ma-lai-xi-a trong bốn năm vừa qua và Ma-lai-xi-a là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của Trung Quốc trong 5 năm qua, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 94,8 tỷ USD năm 2012. Trong bảy tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương đạt 59,72 tỷ USD, tăng 14,9% so cùng kỳ năm ngoái. Hợp tác trong lĩnh vực du lịch tăng trưởng mạnh. Trung Quốc là quốc gia có số lượng du khách thăm Ma-lai-xi-a nhiều nhất. Bộ Ngoại giao Ma-lai-xi-a đánh giá, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng, thể hiện cam kết của lãnh đạo mới của Trung Quốc về duy trì quan hệ hữu nghị lâu dài với Ma-lai-xi-a kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1974.
Tình hình ở khu vực Ðông – Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương thời gian qua có những chuyển biến nhanh chóng, tác động mạnh mẽ tới từng quốc gia trong khu vực này. Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a và sau đó ông quay trở lại Ba-li, In-đô-nê-xi-a dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 cho thấy, Chính phủ khóa mới của Trung Quốc tiếp tục chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, coi ASEAN là vị trí ưu tiên và hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Xuất phát từ tầm cao chiến lược, thúc đẩy tiến trình đa cực hóa, ủng hộ các quốc gia đang phát triển đoàn kết tiến bộ, Trung Quốc cam kết kiên trì ủng hộ sự phát triển lớn mạnh của các nước ASEAN, ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng vào năm 2015 cũng như ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Năm 2013, ASEAN và Trung Quốc kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, hai bên phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 tỷ USD trước năm 2015. Chuyến công du Ðông – Nam Á lần đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy, Trung Quốc mong muốn củng cố và làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, nỗ lực thúc đẩy các hạng mục trọng điểm trong kết nối và hợp tác, nhất là quan hệ đối tác kinh tế toàn diện tại khu vực.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()