Trung Quốc thông qua chính sách sinh ba con
Ngày 31-5, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, chính sách sinh ba con đã chính thức được thông qua tại cuộc họp Bộ Chính trị T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hội nghị nhấn mạnh, tiếp tục tối ưu hóa chính sách sinh đẻ, thực hiện chính sách mỗi cặp vợ chồng có thể sinh ba con và những giải pháp đồng bộ, nhằm cải thiện cơ cấu dân số, thực hiện chiến lược quốc gia tích cực ứng phó tình trạng già hóa dân số, duy trì ưu thế tố chất nguồn nhân lực quốc gia.
Cải thiện cơ cấu dân số, tăng cường nguồn cung lao động
Trung Quốc đang đứng trước cơ hội chiến lược để thay đổi từ một nước dân số lớn sang một cường quốc sở hữu nguồn nhân lực dồi dào. Đây là lý do để chính sách sinh ba con ra đời cùng hàng loạt chính sách đồng bộ đi kèm, nhằm phát huy cao nhất tác dụng của dân số đối với phát triển kinh tế, đối phó tình trạng già hóa dân số.
Tháng 11-2011, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách sinh đẻ, cho phép các cặp vợ chồng là con một được sinh con thứ 2. Tiêu chuẩn được hạ xuống cho phép sinh con thứ 2 nếu chỉ vợ hoặc chồng là con một. Tháng 10-2015, tất cả các cặp vợ chồng đều có thể sinh con thứ 2. Từ những giai đoạn điều chỉnh chính sách trên, đã có 10 triệu đứa trẻ là con thứ 2 được sinh ra.
Theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số lần thứ 7, tuy tỷ lệ dân số có độ tuổi từ 0-14 đã tăng lên 17,95% so 16,6% thống kê năm 2010, nhưng tỷ lệ sinh đẻ tại Trung Quốc đang trên đà giảm, đối nghịch với đà tăng tỷ lệ già hóa dân số. Dưới bối cảnh thành thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển vũ bão, quan niệm sinh ít con, sinh có chọn lọc ngày càng trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Các chính sách giáo dục, lưu trú, việc làm; hay gánh nặng kinh tế… đang ảnh hưởng tới tâm lý sinh đẻ trong các gia đình, thế hệ 9x Trung Quốc, đặc biệt đang sinh sống và làm việc tại các thành thị, “ngại” sinh con hoặc sinh con thứ 2.
Ngoài ra, nữ giới tại Trung Quốc có xu hướng kết hôn muộn, kéo theo tỷ lệ nữ giới độ tuổi sinh đẻ giảm dần. Theo thống kê, số nữ giới độ tuổi 20-34 của Trung Quốc trong năm 2020 đã giảm gần 3,7 triệu người so năm trước.
Có thể nói, chính sách sinh đẻ và các chính sách kinh tế, xã hội liên quan, hiện trạng phát triển tại các thành thị, số lao động nông thôn lên thành phố tìm kiếm việc làm… đang ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm hôn nhân và sinh đẻ của giới trẻ hiện tại.
Tình trạng già hóa dân số đang là xu thế chung toàn cầu, cũng là tương lai mà Trung Quốc đang đối diện. Cuối thế kỷ 20, dân số độ tuổi hơn 60 tại Trung Quốc chiếm 10% tổng dân số toàn quốc, dự đoán cuối 2026, tỷ lệ này sẽ tăng lên 20%, và tăng lên 30% vào năm 2035.
Chính sách sinh ba con và các giải pháp đồng bộ kèm theo sẽ là biện pháp hữu hiệu để Trung Quốc cải thiện cơ cấu dân số, gia tăng lực lượng lao động. Về mặt xã hội, chính sách này giúp thu hẹp khoảng cách thế hệ, tạo sức sống cho xã hội công nghệ cao mà Trung Quốc đang theo đuổi.
Cần các giải pháp kinh tế, xã hội bổ trợ
Để giải quyết vấn đề già hóa dân số, chính sách sinh ba con của Trung Quốc đã nhấn mạnh việc thúc đẩy đồng bộ các chính sách hôn nhân, sinh đẻ, nuôi dưỡng, giáo dục. Trong đó, tăng cường quan niệm hôn nhân gia đình cho thanh niên độ tuổi kết hôn, hạn chế các hủ tục hôn nhân như thách cưới…, nâng cao năng lực dịch vụ hỗ trợ sinh sản, phát triển hệ thống công mầm non, thúc đẩy giáo dục bình đẳng và cung cấp nguồn lực giáo dục chất lượng cao…
Chính sách sinh đẻ có kế hoạch được Trung Quốc nới lỏng trong vòng một thập niên trở lại đây. Tuy vậy, tỷ lệ sinh đang lép vế trước tỷ lệ già hóa dân số là một thách thức lớn trong Kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc.
Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, không thể chỉ dựa vào chính sách sinh đẻ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, mà theo đó, cần đi kèm các giải pháp, chính sách kinh tế, xã hội đồng bộ. Tạo điều kiện và giúp đỡ các cặp vợ chồng “sinh được, nuôi được”, giúp các gia đình giảm thiểu gánh nặng kinh tế trực tiếp và gián tiếp trong việc nuôi dưỡng con cái trưởng thành. Rộng hơn nữa là cần xây dựng quan niệm hôn nhân gia đình phù hợp giai đoạn phát triển tương lai.
Trong giai đoạn phát triển kinh tế những năm qua, Trung Quốc được hưởng lợi không nhỏ từ cơ cấu dân số của mình. Tuy nhiên, ưu thế này đang dần mất đi do tỷ lệ già hóa dân số ngày một tăng cao. Trong bốn thập niên trở lại đây, xã hội Trung Quốc đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, từ chỗ là đại công xưởng của thế giới, dựa vào nguồn nhân lực dồi dào, kết cấu sản xuất có mật độ lao động tập trung, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ dựa trên nguồn cung lao động vô hạn, đang chuyển biến thành một nước phát triển chất lượng cao, hướng tới mô hình tập trung khoa học, công nghệ, tài chính, trí tuệ thông minh.
Trong giai đoạn phát triển kinh tế các thập niên trước, thế hệ “con một” 7x, 8x và 9x của Trung Quốc lớn lên cùng với quá trình trỗi dậy thành nền kinh tế hàng đầu thế giới. Mọi nguồn lực đều được tập trung lên một “công chúa, hoàng tử”, vệ tinh duy nhất của một gia đình. Điều này dẫn đến trào lưu chạy đua trong giáo dục, nuôi dưỡng. Vô hình trung, trở thành gánh nặng tâm lý, cho chính bản thân những đứa trẻ con một đó sau khi trở thành phụ huynh, mở rộng ra, trở thành áp lực cho toàn xã hội.
Do vậy, quan niệm gia đình xoay quanh “một vệ tinh” tại Trung Quốc hiện đang dần được xóa bỏ, phần nào nhờ vào chính sách sinh hai con, và sinh ba con của thời hiện tại.
Theo kết quả tổng điều tra dân số lần thứ 7, quy mô dân số độ tuổi lao động của Trung Quốc năm 2020 đạt 880 triệu người, đây là con số khá lớn. So bốn thập niên trước, đội ngũ lao động Trung Quốc đang dịch chuyển từ lượng sang chất. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, chính sách sinh ba con sẽ tạo cơ sở cần thiết cho bước chuyển mình này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()