Trung Quốc rốt ráo cải cách doanh nghiệp quốc doanh
Giữa tháng 8, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng "núi nợ" của Trung Quốc đang trong tình trạng nguy hiểm, làm gia tăng nguy cơ đối với đà tăng trưởng kinh tế của nước này. Theo IMF, Bắc Kinh cần đẩy nhanh các chương trình cải cách.
Theo trang mạng của tạp chí China Securities, Trung Quốc vừa thành lập một quỹ để hỗ trợ hoạt động cải cách các doanh nghiệp quốc doanh (SOE).
Quỹ sẽ có nguồn vốn ban đầu là 5 tỷ NDT (752,7 triệu USD) và sẽ đầu tư vào các SOE (thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Trung ương và địa phương) đang tiến hành cải cách về “quyền sở hữu hỗn hợp”.
Việc thiết lập quỹ nói trên là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động cải cách SOE, giữa bối cảnh Bắc Kinh đang nuôi tham vọng hồi sinh các doanh nghiệp quốc doanh “ôm” nhiều khoản nợ và tạo ra những tập đoàn có khả năng cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
Hôm thứ Hai (28/8), thông báo từ Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản của Trung Quốc cho biết, kế hoạch sáp nhập Tập đoàn Shenhua Group, nhà khai thác than lớn nhất Trung Quốc và một trong những nhà sản xuất năng lượng lớn nhất quốc gia này, China Guodian đã được thông qua.
Theo Bloomberg New Energy Finance, công ty mới sẽ có tổng tài sản trị giá hơn 1.800 tỷ NDT (271 tỷ USD) và sẽ có công suất lớn nhất ở Trung Quốc. Đây sẽ là công ty lớn thứ hai thế giới về doanh thu và công ty năng lượng lớn nhất thế giới về công suất.
Kế hoạch sáp nhập Shenhua – China Guodian là sự kết hợp đầu tiên trong tiến trình cải cách ngành năng lượng của Trung Quốc.
Cũng trong tháng này, Chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn quyết định tái cơ cấu 3 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trực thuộc Trung ương.
Theo thông tin từ Uỷ ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp nhẹ Trung Quốc (Sinolight), Tập đoàn Mỹ nghệ và Mỹ thuật Trung Quốc (CNACGC) sẽ được sáp nhập để trở thành các công ty con hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Bảo Lợi Trung Quốc (Poly Group).
Với quyết định nói trên, số DNNN trực thuộc Trung ương của Trung Quốc hiện nay sẽ giảm xuống còn 99, thấp hơn rất nhiều so với con số 196 DNNN trực thuộc Trung ương vào năm 2003.
Mục tiêu dài hạn của Uỷ ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước là cắt giảm số lượng DNNN trực thuộc Trung ương xuống còn dưới 100 để phục vụ cho chiến lược thúc đẩy tái cơ cấu và cải cách nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.
Kể từ cuối năm 2012, Trung Quốc đã hoàn thành công tác sáp nhập 30 DNNN trực thuộc Trung ương.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()