Trung Quốc lần đầu tiên cắt giảm lãi suất chuẩn trong mùa dịch
PBoC đã hạ lãi suất cơ bản (LPR) cho khoản vay một năm từ mức 3,85% xuống 3,8%. Lãi suất cơ bản cho khoản vay 5 năm không đổi so với tháng trước là 4,65%.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) ngày 20/12 đã cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19 ở nước này.
PBoC đã hạ lãi suất cơ bản (LPR) cho khoản vay một năm từ mức 3,85% xuống 3,8%. Lãi suất cơ bản cho khoản vay 5 năm không đổi so với tháng trước là 4,65%.
Dữ liệu từ công ty cung cấp thông tin thị trường tài chính Wind Information của Trung Quốc cho thấy, lần gần nhất ngân hàng trung ương này cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm và 5 năm là vào tháng 4/2020.
LPR ảnh hưởng đến lãi suất cho vay đối với các khoản vay doanh nghiệp và hộ gia đình.
Ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, cho biết quyết định trên của PBoC củng cố quan điểm rằng giới chức Trung Quốc đang ngày càng cởi mở hơn đối với việc cắt giảm lãi suất trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, ông lưu ý quyết định giữ nguyên lãi suất cho khoản vay 5 năm cho thấy chính phủ Trung Quốc ưu tiên không sử dụng lĩnh vực bất động sản để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Một số nhà phân tích cho biết hai đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của PBoC trong năm nay đã cho phép các tổ chức giảm chi phí cho vay. Theo ước tính của Goldman Sachs, hai đợt cắt giảm RRR trên đã giúp tiết kiệm cho các ngân hàng Trung Quốc khoảng 28 tỷ NDT (4,39 tỷ USD).
Bên cạnh đó, dù động thái hạ lãi suất trên đã được dự kiến từ trước, nó làm nổi bật sự khác biệt trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc so với các ngân hàng trung ương lớn khác, vốn đang trên đà chuẩn bị tăng lãi suất.
Một số nhà phân tích nhận định lãi suất của Trung Quốc có thể giảm nhẹ hơn nữa để ngăn chặn khả năng suy giảm kinh tế, mặc dù vẫn có sự không thống nhất về quỹ đạo hạ lãi suất này.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên thoát khỏi cú sốc của đại dịch COVID-19 hồi năm 2020.
Nhưng sang năm nay, đặc biệt là kể từ tháng Bảy, đà tăng trưởng của Trung Quốc đã “hạ nhiệt” bởi chi tiêu tiêu dùng bị giảm sút, bên cạnh chính sách không khoan nhượng của chính phủ nhằm kiểm soát các đợt bùng phát dịch tiếp theo cũng như áp đặt nhiều quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản./.
Ý kiến ()