Trung Quốc làm gì để giải cứu thị trường bất động sản?
Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy thị trường bất động sản để phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế từng bị tê liệt sau ảnh hưởng từ COVID-19.
Đợt suy giảm năm 2022 trên thị trường bất động sản Trung Quốc là trầm trọng nhất trong thời gian gần đây. Doanh số bán bất động sản giảm nhanh hơn so với trước đây. Đầu tư bất động sản giảm lần đầu tiên tính từ khi các số liệu được tính toán năm 1999.
Các quỹ dành cho doanh nghiệp bất động sản giảm 25%. Trong suốt 15 năm qua, giá nhà tại Trung Quốc chủ yếu theo xu thế tăng và trong 6 tháng qua, giá nhà đã không ngừng trong xu thế sụt giảm.
Mới đây, Bắc Kinh bắt đầu áp dụng hàng loạt chính sách, như kế hoạch nới lỏng vay vốn cho các nhà phát triển bất động sản, giải quyết nguy cơ “đứt dây chuyền vốn”. Các nhà chức trách cũng đang xem xét đưa ra tỉ lệ thế chấp thấp hơn để thúc đẩy giao dịch bất động sản. Ngoài ra, tiền hoa hồng cho các đại lý cũng có thể bị giới hạn.
Những động thái mới đây là bước đi tiếp theo trong công cuộc giải cứu lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái. Khi mới triển khai, kế hoạch này hầu như không có tác dụng ngay lập tức khi Trung Quốc vẫn phải vật lộn với làn sóng đại dịch sau khi từ bỏ chính sách “zero-COVID”. Doanh số bán nhà sụt giảm sâu tới 31% vào tháng 12/2022, báo hiệu những thách thức sắp tới.
Một điểm đáng chú ý trong kế hoạch “giải cứu” thị trường bất động sản của Trung Quốc là thay vì hỗ trợ trên toàn ngành, Chính phủ đang chủ yếu hỗ trợ các công ty mạnh trên thị trường.
Ủy ban Phát triển và Ổn định tài chính Trung Quốc (FSDC) đã yêu cầu các cơ quan quản lý ngân hàng và chứng khoán hỗ trợ củng cố bảng cân đối kế toán của các công ty phát triển bất động sản quan trọng và không gặp vấn đề về kiểm toán cũng như chưa từng có vi phạm nghiêm trọng, theo nguồn tin của Bloomberg.
Ngân hàng Công thương Trung Quốc, nhà băng lớn nhất nước này, ngày 16/1 đồng ý cấp khoản tín dụng với tổng giá trị 240 tỷ nhân dân tệ cho 16 công ty phát triển bất động sản, trong đó có CIFI Holdings Group. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, nhà băng lớn thứ hai, cũng thông báo kế hoạch thành lập một quỹ trị giá 10 tỷ nhân dân tệ hợp tác cùng công ty phát triển bất động sản China Vanke Co. để tập trung vào các dự án nhà cho thuê.
Về phía các công ty quản lý tài sản, đảm nhận vai trò “cứu tinh” với nguồn tiền từ Chính phủ, các công ty này có thể giảm thiểu rủi ro ở lĩnh vực mà họ có mối liên hệ lớn. Trong những năm bùng nổ bất động sản, các khoản vay “khủng” cho các công ty phát triển bất động sản gặp khó đã khiến nhiều công ty quản lý tài sản đối mặt với khối nợ xấu nên tới 730 tỷ USD, kéo tụt xếp hạng tín nhiệm và khiến trái phiếu của các công ty này lao dốc.
Bốn công ty quản lý tài sản lớn tại Trung Quốc, gồm Huarong, Cinda, China Great Wall Asset Management Co. và China Orient Asset Management Co., đã cho hầu hết trong số 50 công ty phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc vay tiền trong những năm qua.
Chỉ riêng Cinda và Huarong đã cho vay hơn 200 tỷ nhân dân tệ. Tính tới cuối tháng 6/2022, bất động sản chiếm gần 50% hoạt động mua lại và tái cơ cấu doanh nghiệp của 2 công ty này.
Trung Quốc đang cho phép các thành phố gia hạn các biện pháp, theo đó giảm lãi suất thế chấp cho những người mua nhà lần đầu nếu giá nhà mới xây giảm trong 3 tháng liên tiếp.
Theo một tuyên bố từ phía ngân hàng, các thành phố có thể duy trì, hạ thấp hoặc loại bỏ lãi suất tối thiểu đối với các khoản vay mua nhà lần đầu.
Bắc Kinh đã bật đèn xanh trở lại cho các quỹ đầu tư tư nhân để huy động tiền cho các dự án phát triển bất động sản nhà ở, sau lần đầu tiên tạm dừng phê duyệt vào năm 2021.
Các nhà chức trách Trung Quốc đang xem xét giới hạn trên toàn quốc đối với tiền hoa hồng cho các đại lý, có thể nằm trong khoảng từ 2% đến 2,5% giá bán. Mức trần này một khi đã được áp dụng, có thể sẽ được điều chỉnh từ 1 đến 3 năm một lần dựa trên các điều kiện thị trường.
https://baochinhphu.vn/trung-quoc-lam-gi-de-giai-cuu-thi-truong-bat-dong-san-10223020615261111.htm
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()