Trung Quốc kêu gọi đảm bảo tiếp cận công bằng vaccine trên toàn cầu
Trung Quốc kêu gọi thúc đẩy phân phối công bằng vaccine COVID-19 trên toàn thế giới, lưu ý rằng trong số 2,6 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn cầu, chỉ có khoảng 0,3% là ở các nước thu nhập thấp.
Ngày 23/6, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva (UNOG) Trần Húc đã lên tiếng kêu gọi tất cả các nước, trên tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế, biến các cam kết thành hành động và hỗ trợ khả năng tiếp cận kịp thời vaccine ngừa COVID-19 ở các nước đang phát triển.
Phát biểu tại cuộc đối thoại về COVID-19 tại phiên họp thứ 47 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ông Trần Húc, đại diện cho 63 nước, kêu gọi thúc đẩy phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới, lưu ý rằng trong số 2,6 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn cầu, chỉ có khoảng 0,3% là ở các nước thu nhập thấp.
Ông Trần Húc nêu rõ: “Chúng tôi lo lắng bởi xu hướng chủ nghĩa dân tộc vaccine và việc tích trữ số liều vaccine vượt xa nhu cầu của dân số.”
Ông Trần Húc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện khả năng tiếp cận, chi trả và sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19 và các sản phẩm y tế khác ở các nước đang phát triển, bao gồm cả các nước kém phát triển nhất, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Quan chức này đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia và các bên liên quan khác tăng gấp đôi năng lực sản xuất vaccine, đồng thời hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng năng lực sản xuất vaccine trong nước và ủng hộ ý tưởng từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19.
Cũng liên quan đến vấn đề tiếp cận công bằng vaccine ngừa COVID-19, cùng ngày, ông Samuel Kinyanjui, Giám đốc Quỹ chăm sóc y tế AIDS của Kenya (AHF) cảnh báo việc các quốc gia giàu có tích trữ ồ ạt vaccine ngừa COVID-19 là nguyên nhân làm chậm tiến độ đẩy lùi đại dịch ở châu Phi.
Phát biểu tại Nairobi, ông Kinyanjui cho rằng việc tích trữ vaccine đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt công cụ cần thiết này để cứu sống người dân ở châu Phi, nơi số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh đe dọa hệ thống y tế công của toàn châu lục.
Ông Kinyanjui kêu gọi các quốc gia có thu nhập cao chia sẻ kho dự trữ vaccine dư thừa, ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ của vaccine ngừa COVID-19 và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 ở châu Phi.
Tương tự, bà Moreni Masanzu thuộc Mạng lưới quốc gia của những người sống chung với HIV/AIDS của Zimbabwe, cũng mô tả chủ nghĩa dân tộc vaccine đã nổi lên như nút thắt lớn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở châu Phi.
Bà nói rằng việc chấm dứt tình trạng tích trữ và đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine sẽ mang lại lợi ích cho cả nước giàu lẫn nước có thu nhập thấp bởi điều này sẽ giúp ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao, cũng như giúp các nước sớm quay trở lại nhịp sống thường nhật.
Theo bà Masanzu, các công ty dược phẩm đa quốc gia sẽ có lợi nếu họ đàm phán về các thỏa thuận nhượng quyền thương mại với các nước châu Phi để nâng cao khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 ở châu lục này.
Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC Châu Phi) cho thấy tính đến giữa tháng 6, châu lục này đã tiêm 42,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, song chỉ 0,79% dân số đã được tiêm đủ liều.
Trong số các quốc gia dẫn đầu về tiêm chủng bao gồm Maroc, Ai Cập, Nigeria, Ethiopia và Nam Phi nhờ có chiến lược hợp lý, cơ sở hạ tầng dây chuyền lạnh vững mạnh và nhân viên y tế được đào tạo bài bản./.
Ý kiến ()