Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá
Ngày 25/4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương – PBOC) tuyên bố hạ tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc đối với các tổ chức tài chính, nhằm ứng phó với tình trạng tỷ giá đồng nhân dân tệ so với USD giảm mạnh.
Cụ thể, PBOC quyết định điều chỉnh tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc đối với các tổ chức tài chính giảm 1 điểm phần trăm, từ 9% xuống còn 8% kể từ ngày 15/5/2022, để nâng cao khả năng sử dụng nguồn vốn ngoại hối của các tổ chức tài chính.
Dự trữ ngoại hối bắt buộc là khoản tiền mà một tổ chức tài chính phải gửi vào PBOC theo một tỷ lệ nhất định, trong tổng số tiền ngoại hối thu hút được. Tỷ lệ dự trữ ngoại hối này được PBOC điều chỉnh tăng giảm trong các thời điểm khác nhau.
Tính đến cuối tháng 3 năm nay, số dư tiền gửi dự trữ ngoại hối bắt buộc đạt 1.050 tỷ USD. Việc hạ tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc từ 9% xuống còn 8%, đồng nghĩa với việc số tiền mà các tổ chức tài chính phải nộp cho ngân hàng trung ương có thể giảm khoảng 10 tỷ USD.
Ông Triệu Khánh Minh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đầu tư ngoại hối Trung Quốc cho rằng, điều chỉnh hạ tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc có thể làm tăng nguồn cung cho các khoản vay ngoại hối của các tổ chức tài chính, từ đó góp phần ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ.
Động thái trên của PBOC được tiến hành trong bối cảnh đồng nhân dân tệ liên tục mất giá so USD ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Chỉ trong 5 ngày giao dịch (kể từ ngày 18/4), tỷ giá đồng nhân dân tệ so USD giảm hơn 3%. Tỷ giá giao ngay cũng giảm hơn 2,7% chỉ trong 4 ngày giao dịch (kể từ ngày 19/4).
Sau khi PBOC thông báo hạ tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc, thị trường đã có những phản ứng nhanh chóng, khi tỷ giá đồng nhân dân tệ so USD ngừng giảm và bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trở lại.
Kể từ năm ngoái, PBOC thường xuyên sử dụng công cụ là tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc đối với các tổ chức tài chính để điều tiết kỳ vọng của thị trường, góp phần ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()