Trung Quốc đẩy nhanh mở cửa lĩnh vực tài chính cho đầu tư nước ngoài
Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các hạn chế về cổ đông đối với các chủ doanh nghiệp là người nước ngoài của các công ty quản lý quỹ, bảo hiểm và chứng khoán vào năm 2020.
Ngày 20/7, Trung Quốc đã quyết định dỡ bỏ một số hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính của nước này trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vật lộn với tình trạng tăng trưởng chậm lại và một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đăng tải một tuyên bố của Ủy ban Phát triển và bình ổn tài chính (FSDC) cho biết Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các hạn chế về cổ đông đối với các chủ doanh nghiệp là người nước ngoài của các công ty quản lý quỹ, bảo hiểm và chứng khoán vào năm 2020, tức là sớm hơn một năm so với kế hoạch.
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ được khuyến khích thành lập các công ty quản lý tài sản, các công ty môi giới tiền tệ và các công ty quản lý lương hưu.
Từ lâu, Trung Quốc đã cam kết mở cửa hơn nữa nền kinh tế cho sự tham gia của các doanh nhân nước ngoài và đầu tư nước ngoài, song tiến độ thực hiện chậm chạp. Đây cũng là một điểm tranh cãi chính giữa nước này với Mỹ và Liên minh châu Âu.
Thông báo trên được đưa ra sau cuộc họp do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc chủ trì tập trung vào giải quyết những ảnh hưởng xấu và các nguy cơ tài chính.
Tại đây, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã cam kết có các bước đi mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Cụ thể, các biện pháp bổ sung bao gồm dỡ bỏ các hàng rào đối với các công ty bảo hiểm nước ngoài, như yêu cầu phải có 30 năm hoạt động kinh doanh hoặc giới hạn chủ doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chỉ được nắm giữ tối đa 25% cổ phần. Ngoài ra, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm của nước ngoài cũng sẽ được phép định giá một số lượng lớn trái phiếu và các loại nợ.
Quyết định mở cửa trên được đưa ra giữa lúc Trung Quốc và Mỹ vướng vào một cuộc chiến tranh kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn Bắc Kinh mở cửa nền kinh tế hơn nữa và hạn chế cái mà ông gọi là các hành xử thương mại không công bằng.
Hai bên đã đáp trả nhau bằng những mức thuế mạnh đánh vào các loại hàng hóa trị giá hơn 360 tỷ USD trong thương mại hai chiều.
Tuy nhiên, tại một cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) ở Osaka (Nhật Bản) ngày 29/6 vừa qua, Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí “đình chiến thương mại” để các nhà đàm phán hai bên có thêm thời gian thương lượng nhằm đạt một thỏa thuận./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()