Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng vùng vịnh lớn ở phía nam
Khu đô thị mới Tiền Hải ở Thâm Quyến được quy hoạch khá bài bản nhằm phát huy các lợi thế về đổi mới và sáng tạo công nghệ của thành phố này.
Theo đó, để thúc đẩy công cuộc cải cách và mở cửa đi vào chiều sâu, tháng 2-2019, Trung Quốc ban hành Cương yếu quy hoạch vùng vịnh lớn Quảng Đông – Hồng Công – Ma Cao với phạm vi gồm hai khu hành chính đặc biệt Hồng Công, Ma Cao và chín thành phố của tỉnh Quảng Đông là Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Huệ Châu, Đông Quản, Trung Sơn, Giang Môn, Triệu Khánh; với mục tiêu kết nối các chính sách phát triển, đẩy mạnh liên kết và hợp tác nhằm xây dựng khu vực này trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo khoa học – công nghệ mang tầm quốc tế.
Theo ông Tào Đạt Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách tỉnh Quảng Đông, hiện nay việc xây dựng vùng vịnh lớn đã bước vào giai đoạn triển khai toàn diện và thúc đẩy đi vào chiều sâu. Thời gian tới, các thành phố trong vùng sẽ đẩy mạnh liên thông về thể chế chính sách, thúc đẩy xây dựng hạ tầng cho đổi mới sáng tạo, phát huy thế mạnh quốc tế hóa của Hồng Công và Ma Cao, để đưa công cuộc xây dựng vùng vịnh mới đi vào chiều sâu.
Ngoài các giải pháp kết nối về hạ tầng giao thông, cơ chế và thể chế, đẩy mạnh xây dựng các vườn ươm sáng tạo khởi nghiệp, các khu đô thị, công nghiệp với nhiều ưu đãi hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư và nhân lực chất lượng cao, vùng vịnh lớn của Trung Quốc cũng đẩy mạnh mở cửa hợp tác với bên ngoài, nhất là khai thác thị trường các nước ASEAN, Đông – Bắc Á và châu Âu, để tận dụng thế mạnh vốn có, đẩy nhanh xây dựng thị trường lớn của vùng vịnh mở rộng, kích thích tiềm năng hợp tác và trao đổi về kinh tế – thương mại và văn hóa giữa các nước trong khu vực.
Hiện nay, tại các thành phố chính thuộc vùng vịnh lớn như Quảng Châu, Thâm Quyến, Đông Quản, Trung Sơn, Chu Hải, quy hoạch kết nối và liên kết phát triển đã được xây dựng tương đối đồng bộ, nhiều khu đô thị mới, khu công nghiệp công nghệ cao và vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo đã ra đời với mục tiêu thúc đẩy giao thương và lưu thông hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và nhân lực.
Trong đó, cây cầu vượt biển dài nhất thế giới kết nối TP Chu Hải với Hồng Công và Ma Cao khánh thành cuối năm 2018 được coi là điểm nhấn về hạ tầng giao thông, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ liên kết hợp tác sâu rộng ở địa phương có tiềm năng phát triển hàng đầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()