Trung Quốc có thêm 2 di sản thiên nhiên thế giới
Với 2 di sản thiên nhiên thế giới vừa được UNESCO công nhận là cụm quần thể núi cát-hồ nước trên sa mạc Badain Jaran và Khu lưu trú chim di cư Hoàng Hải-Bột Hải (giai đoạn hai), Trung Quốc tiếp tục đứng đầu thế giới về số lượng di sản thiên nhiên thế giới với 15 di sản.
Theo truyền thông Trung Quốc, tại Kỳ họp thứ 46 Ủy ban Di sản thế giới vừa mới được tổ chức tại Ấn Độ, UNESCO đã công nhận 2 di sản thiên nhiên thế giới của Trung Quốc là cụm quần thể núi cát-hồ nước trên sa mạc Badain Jaran và Khu lưu trú chim di cư Hoàng Hải-Bột Hải (giai đoạn hai).
Như vậy, đến nay Trung Quốc có 15 di sản thiên nhiên thế giới, 4 di sản kép văn hóa-thiên nhiên, tiếp tục đứng đầu thế giới về số lượng di sản thiên nhiên thế giới.
Là sa mạc lớn thứ 3 của Trung Quốc và là sa mạc lớn nhất khu tự trị Nội Mông Cổ, sa mạc Badain Jaran nằm trên cao nguyên Alashan có độ cao 1.400-1.600m so với mực nước biển, thuộc vùng hoang mạc ôn đới khô hạn nhất ở tây bắc Trung Quốc. Sa mạc Badain Jaran nổi tiếng bởi kỳ quan địa chất địa mạo do có nhiều hồ nước nằm xen kẽ giữa những triền đồi núi cát nối nhau liên tiếp.
Biểu tượng của sa mạc Badain Jaran là có núi cát cao nhất thế giới với độ cao 460m, khu vực tập trung nhiều hồ nước nhất trên sa mạc và khu vực cát sa mạc rộng nhất phát ra âm thanh, ngoài ra còn có nhiều phong cảnh đẹp do địa mạo bị phong hóa. Vì vậy, cảnh quan độc đáo trên sa mạc Badain Jaran chính là quá trình biến đổi địa mạo gió-cát điển hình và bền vững trên thế giới, có giá trị mỹ học tự nhiên, đồng thời cũng là nơi cư trú của nhiều loại sinh vật.
Truyền thông Trung Quốc dẫn đánh giá của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO, cụm quần thể núi cát-hồ nước sa mạc Badain Jaran là những ngọn núi cát cao độc đáo, hiếm gặp và xen giữa là các hồ nước để tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Đây là ví dụ điển hình về sự biến đổi liên tục của địa mạo và cảnh quan sa mạc trong điều kiện khí hậu ôn đới và siêu khô hạn, đồng thời cũng là một trong những kỳ quan sa mạc tự nhiên hiếm có trên thế giới.
Di sản thiên nhiên thứ hai của Trung Quốc được UNESCO công nhận lần này là Khu lưu trú chim di cư Hoàng Hải-Bột Hải (giai đoạn hai). Đây là vùng đất ngập nước ven biển lớn nhất thế giới, gồm 5 khu vực: bãi bồi Sùng Minh Đông, thành phố Thượng Hải, cửa sông Hoàng Hà, thành phố Đông Doanh, tỉnh Sơn Đông, cảng Nam Đại ở thành phố Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, đảo Rắn, thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh và cửa sông Áp Lục, thành phố Sơn Đông, tỉnh Liêu Ninh.
Đây là nơi dừng nghỉ, khu sinh sản và khu tránh đông cho các loài chim di cư từ khu vực Đông Á sang Australia, trong đó có nhiều loài thuộc loài thuộc nhóm có nguy cơ tuyệt chủng. Trước đó, vào năm 2019, Khu lưu trú chim di cư Hoàng Hải-Bột Hải (giai đoạn một) thuộc thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô cũng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Theo truyền thông Trung Quốc, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đánh giá, khu lưu trú chim di cư Hoàng Hải-Bột Hải có hệ sinh thái đặc biệt, bãi bồi ven biển có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc cung cấp môi trường sống không thể thay thế cho các loài chim di cư từ khu vực Đông Á sang Australia. Tuyến di cư Đông Á-Australia là một trong những hành trình quan trọng nhất của loài chim di cư trên thế giới, là một trong những luồng tuyến tập trung nhiều loài chim có nguy cơ tuyệt chủng, cũng là một trong những khu vực có hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất.
Di sản thế giới là tài sản chung của nhân loại được cộng đồng quốc tế công nhận có giá trị phổ quát nổi bật và không thể thay thế. Việc được đưa vào Danh sách Di sản thiên nhiên thế giới lần này là một dấu mốc quan trọng trong việc bảo vệ di sản chung của nhân loại. Các di sản thế giới của Trung Quốc luôn nổi bật với 3 giá trị là cảnh đẹp tự nhiên, địa chất, địa mạo và môi trường sinh thái, đã trở thành hình mẫu trong công cuộc xây dựng đất nước Trung Quốc tươi đẹp, văn minh sinh thái và đóng góp ngày càng nhiều trong việc bảo vệ môi trường toàn cầu, cũng như bảo vệ và phát triển bền vững tính đa dạng sinh học trên thế giới.
Những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh bảo vệ các di sản thiên nhiên thế giới, di sản kép văn hóa-thiên nhiên; tăng cường xây dựng hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên, khu danh thắng; không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, bảo vệ các di sản. Trong thời gian tới, các cơ quan hữu quan của Trung Quốc sẽ tiếp tục nâng cao trình độ bảo vệ, quản lý các di sản thiên nhiên, tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ những kinh nghiệm, để gìn giữ và phát huy vai trò, giá trị các di sản thế giới.
Ý kiến ()