Trung Quốc châm ngòi chạy đua tên lửa tại châu Á?
Theo mạng tin ipolitics.ca ngày 27/5, Đài Loan đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn về quyết định quốc phòng trong tương lai khi mạng lưới phòng không của Trung Quốc tiếp tục vươn xa hơn.
Theo mạng tin ipolitics.ca ngày 27/5, Đài Loan đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn về quyết định quốc phòng trong tương lai khi mạng lưới phòng không của Trung Quốc tiếp tục vươn xa hơn.
Hiện nay, hai hệ thống tên lửa phòng không di động của Trung Quốc là HQ-9 và S-300 chỉ có tầm bắn vươn đến một phần nhỏ ở khu vực Tây Bắc Đài Loan. Tuy nhiên, với kế hoạch mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga (tầm bắn 400 km), Trung Quốc lần đầu tiên sẽ có khả năng kiểm soát toàn bộ không phận của Đài Loan.
Các cuộc đàm phán về đơn đặt hàng mua S-400 của Trung Quốc đã được các quan chức Nga xác nhận từ năm 2012. Ian Easton, chuyên gia nghiên cứu quân đội Trung Quốc tại Viện Dự án 2049 của Mỹ, nói: “Đây có thể là lý do khiến Đài Loan không còn mong muốn được mua những máy bay tiêm kích F-16 thế hệ thứ tư của Mỹ. Đài Loan hiểu rằng đến năm 2023, họ sẽ cần máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại F-35, và nếu Mỹ từ chối bán những máy bay này cho Đài Loan, như đã từng từ chối bán F-16, thì giải pháp của Đài Loan là tìm cách cải tiến mạnh mẽ tên lửa hành trình và tăng cường triển khai các tên lửa đạn đạo.”
Theo ông York Chen, cựu thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan, về mặt quân sự, việc Trung Quốc triển khai hệ thống phòng không S-300 PMU2 ở bờ đối diện đã gây căng thẳng cho các phi công máy bay chiến đấu Đài Loan, và giờ đây, khả năng triển khai S-400 hiện đại hơn sẽ khiến tình hình xấu hơn đối với các phi công Đài Loan.
Khi các hệ thống S-400 phối hợp với các máy bay chiến đấu trên đất liền và trên biển, Trung Quốc sẽ tự tin hơn trong việc duy trì sự thống trị vùng trời của Đài Loan vì có khả năng vô hiệu hóa bất kỳ đợt phản công nào của không quân Đài Loan và đồng thời ngăn chặn được sự can thiệp của Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ có thể mua hệ thống S-400 của Nga sớm nhất là vào năm 2017. Cho đến nay chưa có thông tin về kết quả đàm phán, việc ký kết bản ghi nhớ hay số lượng hệ thống S-400 mà Trung Quốc muốn mua.
Vấn đề chính là Almaz-Antey, tập đoàn sản xuất các hệ thống S-400, đang “quá tải” với các đơn đặt hàng từ quân đội Nga và một số khách hàng nước ngoài. Trước đó, các quan chức Nga đã tuyên bố rằng việc chuyển giao các hệ thống S-400 cho khách hàng nước ngoài chỉ được thực hiện sau khi Almaz-Antey hoàn thành các hợp đồng chủ chốt với Bộ Quốc phòng Nga, khoảng sau năm 2017.
Việc Trung Quốc mua các hệ thống S-400 của Nga có những tác động không chỉ đối với Đài Loan, mà với cả Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Với sự thừa nhận rằng các cuộc chiến tranh tương lai sẽ tập trung vào tên lửa, việc Trung Quốc mua các hệ thống phòng không S-400 sẽ là một động thái quan trọng bởi vì các hệ thống này bổ sung những khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo mà Trung Quốc đang thiếu.
Vì lý do này, việc Trung Quốc mua các hệ thống S-400 của Nga có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang với Ấn Độ, quốc gia đang phụ thuộc vào tên lửa đạn đạo để ngăn chặn Trung Quốc. Về tầm bắn, S-400 cũng có thể bao trùm không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.
Đối với Mỹ, những tác động của việc Trung Quốc mua các hệ thống phòng không S-400 ít nghiêm trọng hơn, do thiết kế các máy bay chiến đấu F-22 và F-35 đã tính đến những thách thức từ hệ thống phòng không này. Tuy nhiên, ưu thế trên không của Mỹ đang bị xói mòn ở phía Tây Thái Bình Dương do Mỹ bị buộc phải di dời các căn cứ không quân khỏi đảo Okinawa, trong khi các hệ thống phòng không của Trung Quốc ngày càng mạnh.
Nếu các xu hướng này vẫn tiếp tục, môi trường phòng không tương lai tại châu Á sẽ dẫn đến xu hướng chiến tranh bằng máy bay không người lái. Ngày 14/5, Mỹ đã tiến hành các chuyến bay thử nghiệm hệ thống máy bay chiến đấu không người lái X-47B từ tàu sân bay George H.W. Bush.
Ông Easton nói: “Tại sao phải cử máy bay có người lái đến những môi trường nguy cơ cao đến mức ngay cả các phi công lão luyện nhất cũng khó có khả năng trở về? Tại sao phải chi thêm tiền và giảm trọng tải cũng như độ bền trong khi có thể điều khiển những máy bay không người lái từ xa và cho phép chúng vận hành bán tự động để có hiệu quả lớn hơn nhiều”?
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()