Trung Quốc áp bộ quy tắc ứng xử xã hội trong quân đội
Cơ quan quân sự hàng đầu Trung Quốc đã ban hành bộ quy tắc mới nhằm kiểm soát các hoạt động xã hội của các sĩ quan cấp cao đương chức và đã nghỉ hưu của PLA.
Các quy tắc mới được Quân ủy Trung ương Trung Quốc phê duyệt và ban hành nằm trong nỗ lực thắt chặt kiểm soát hơn nữa lực lượng quân đội.
Một báo cáo được đăng trên trang chủ của Báo Quân đội giải phóng (PLA Daily) ngày 19/6 cho biết bộ quy tắc bao gồm “các yêu cầu cụ thể trên 8 lĩnh vực”, song không cung cấp thêm chi tiết về các yêu cầu này.
Theo báo cáo, bộ quy tắc đặt ra một loạt nguyên tắc ứng xử của quan chức quân đội đối với các quan chức đảng, các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức xã hội, phương tiện truyền thông, các cơ quan học thuật và nghiên cứu, các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo, các tổ chức nước ngoài và các thành viên gia đình cũng như những người mà họ gặp gỡ trực tuyến.
“Các cơ quan chính trị và kỷ luật sẽ thực hiện trách nhiệm giám sát của họ, tìm kiếm và khắc phục bất kỳ trường hợp nào vi phạm các quy tắc hoặc luật pháp”, trích dẫn báo cáo của PLA Daily. “Bất kỳ cán bộ lãnh đạo nào bị kết tội lơ là nhiệm vụ đều bị kỉ luật… Mục tiêu của những quy tắc này là giúp cho đời sống xã hội của họ có nguyên tắc, có ranh giới và dựa trên các quy tắc”.
Ni Lexiong, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải cho biết: “Đây là một động thái chưa từng có đối với lực lượng quân đội Trung Quốc nhằm tạo ra một bộ quy tắc về đời sống xã hội cho các cán bộ cấp cao. Điều này chưa từng có tiền lệ”.
“Ở thời đại mà tham nhũng vẫn còn là vấn đề nhức nhối trong quân đội thì những điều này lại trở nên cần thiết để PLA bắt kịp với sự thay đổi của xã hội”, ông nói thêm.
Giáo sư Ni giải thích rằng các quy tắc này là cần thiết vì ngày nay mối liên hệ giữa các tướng chỉ huy PLA với các sĩ quan đã nghỉ hưu, với các nhà lãnh đạo đảng và chính quyền địa phương, với các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội,… là điều không thể tránh khỏi. Cùng với đó, ảnh hưởng của mạng xã hội và các phương thức liên lạc trực tuyến cũng khiến tần suất các mối liên hệ này tăng lên đáng kể.
“Ví dụ, thói quen uống rượu nặng là một truyền thống của một số sĩ quan cấp cao mặc dù nó đã bị cấm sau khi ông Tập Cận Bình trở thành người đứng đầu Quân ủy Trung ương vào năm 2012. Tôi tin rằng điều này sẽ được nêu rõ một lần nữa trong các quy tắc mới rằng đây là không được phép”, ông Ni nói.
Một nguồn tin của PLA cho biết, các quy định mới không chỉ áp dụng cho các cán bộ lãnh đạo của quân đội đương nhiệm mà còn được áp dụng cho các tướng lĩnh đã nghỉ hưu, những người có ảnh hưởng đáng kể đối với các nhà lãnh đạo trẻ hơn.
“Nhiều tướng đã về hưu vẫn đang hoạt động trong các nhóm tôn giáo và văn hóa, và sự hiện diện của họ trong các cơ quan này đôi khi có thể bị người khác lợi dụng để trục lợi, tạo ra những tác động xã hội rất xấu”, nguồn tin cho biết.
Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu của tổ chức tư vấn khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng các quy định mới được đưa ra nhằm mục đích xóa bỏ những ảnh hưởng từ việc hai cựu Phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu bị bắt.
Hai tướng này bị cáo buộc nhận hối lộ từ các sĩ quan khác để đổi lấy việc thăng quan tiến chức. Quách Bá Hùng hiện đang thụ án chung thân vì tội tham nhũng còn Từ Tài Hậu đã qua đời năm 2015 vì ung thư ngay trong quá trình điều tra.
Zeng Zhiping, giáo sư luật của Đại học Thương mại Quảng Châu, cho rằng PLA cần thực hiện các quy tắc mới một cách minh bạch nếu không sẽ vấp phải sự phản kháng từ các tướng lĩnh.
“Cách tốt nhất là cho phép công chúng tham gia giám sát việc thực hiện quy tắc của các chỉ huy này để tạo ra sự cân bằng giữa quyền lực và sự giám sát”, ông nói.
Nguồn:https://vtc.vn/trung-quoc-ap-bo-quy-tac-ung-xu-xa-hoi-trong-quan-doi-ar800789.html
Ý kiến ()