Trung Quốc-Ấn Độ đạt đồng thuận về giảm căng thẳng ở biên giới
Hai bên nhất trí rằng các lực lượng hai nước ở biên giới tiếp tục đối thoại, nhanh chóng rút quân, duy trì khoảng cách thích hợp và giảm căng thẳng.
Theo một thông cáo báo chí chung ngày 11/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã đạt được đồng thuận 5 điểm về những diễn biến ở biên giới giữa hai nước cũng như quan hệ song phương.
Tân Hoa Xã dẫn thông cáo chung được đưa ra sau cuộc gặp giữa hai quan chức trên bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày 10/9 tại Moskva (Nga), theo đó nêu rõ ông Vương Nghị và ông Jaishankar đã nhất trí rằng Trung Quốc và Ấn Độ cần tuân thủ các thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được về phát triển quan hệ song phương, nhấn mạnh không để các bất đồng diễn biến thành tranh chấp.
Ghi nhận tình hình hiện nay ở biên giới không có lợi đối với cả hai nước, hai bên nhất trí rằng các lực lượng hai nước ở biên giới tiếp tục đối thoại, nhanh chóng rút quân, duy trì khoảng cách thích hợp và giảm căng thẳng.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Ấn Độ cho rằng hai bên cần tuân thủ các thỏa thuận và nghị định song phương về vấn đề biên giới, duy trì hòa bình ở khu vực biên giới và tránh mọi hành động có thể làm leo thang tình hình.
Hai bên nhất trí duy trì đối thoại và liên lạc thông qua cơ chế Đại diện đặc biệt về vấn đề biên giới, đồng thời tiếp tục tiến hành các cuộc họp trong khuôn khổ Cơ chế tham vấn và điều phối các vấn đề biên giới Trung Quốc-Ấn Độ.
Hai Bộ trưởng cũng nhất trí đẩy nhanh hoàn tất các biện pháp mới nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau, duy trì và tăng cường hòa bình, an ninh ở khu vực biên giới.
Khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc căng thẳng sau một loạt cuộc đụng độ đầu tháng 6 vừa qua giữa binh lính hai bên ở Đông Ladakh, thuộc vùng lãnh thổ Kashmir.
Cuối tháng 6, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng binh sỹ đáng kể đến khu vực biên giới này.
Đáp lại, Ấn Độ cũng điều thêm 5.000 binh sỹ đến Ladakh để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc Đường Ranh giới thực tế (LAC)./.
Ý kiến ()