Trung Đông tăng mạnh chi tiêu quốc phòng trong năm 2022
Việc tăng ngân sách quốc phòng của Saudi Arabia kết hợp với mức chi tiêu cao hơn của Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã góp phần khiến tổng chi tiêu quân sự ở khu vực Trung Đông năm 2022 tăng mạnh sau nhiều năm bị thu hẹp.
Tại các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), việc tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng đầu tiên phải kể đến là nhờ giá dầu tăng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, giúp các nước này có được nền tảng tài chính vững chắc hơn. GCC có thặng dư tài chính trong năm 2022 sau 7 năm thâm hụt ngân sách và tín hiệu tích cực tương tự cũng được dự báo cho hai năm tới đây.
Máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon trang bị trong lực lượng vũ trang Qatar. Ảnh: BAE Systems |
Bên cạnh đó, các động lực mang tính chiến lược và cấp bách hơn bao giờ hết khiến những quốc gia chi tiêu lớn nhất khu vực Trung Đông như Saudi Arabia và UAE-vốn có tham vọng thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng-tích cực đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực quốc phòng để tăng cường năng lực sản xuất trong nước.
Năm ngoái, Saudi Arabia đứng thứ năm thế giới về chi tiêu quân sự (sau Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ) với 75 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn so với một thập kỷ trước. Các chuyên gia tại IISS nhận định, mối quan hệ căng thẳng giữa Riyadh và Washington-nhà cung cấp vũ khí chính cho Saudi Arabia-cũng có thể là nguyên do khiến chi tiêu quân sự của quốc gia giàu dầu mỏ này giảm trong khoảng thời gian năm 2015-2021.
Trong khi đó, chi tiêu quân sự năm 2022 của Qatar cũng vọt lên 15 tỷ USD, tăng 33% so với năm trước đó. Những giao dịch ngốn nhiều ngân sách quốc phòng của Qatar bao gồm các hợp đồng mua 108 máy bay chiến đấu các loại như: F-15, Eurofighter Typhoon và Rafale của Mỹ, Anh và Pháp. “Lực lượng không quân của Qatar sẽ là một trong những lực lượng hiện đại và đa dạng nhất trong khu vực một khi cả ba loại máy bay trên được đưa vào biên chế… Tuy nhiên, khối lượng và tốc độ của những thương vụ mua bán này đặt ra câu hỏi về khả năng đào tạo phi hành đoàn cũng như năng lực kỹ thuật hậu cần của Qatar”, báo cáo của IISS cho hay.
Với UAE, IISS ước tính chi tiêu quốc phòng của nước này năm 2022 là 20 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2021. Lực lượng vũ trang của UAE được đánh giá là lực lượng được đào tạo tốt nhất và có khả năng chiến đấu cao nhất trong GCC.
Trong năm 2022 đầy biến động, Mỹ là nước chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới, với 877 tỷ USD (chiếm 3,4% GDP), tiếp đến là Trung Quốc (292 tỷ USD, chiếm 1,6% GDP). Song nếu tính theo tỷ lệ GDP thì các nước Trung Đông mới là những nước chi tiêu quốc phòng nhiều nhất thế giới. Chi tiêu quân sự của Saudi Arabia tương đương 7,4% GDP và chỉ đứng sau Ukraine (34%) trên toàn cầu. Qatar (7%) đứng thứ ba và Oman (5,2%) đứng thứ năm, trong khi Jordan (4,8%), Kuwait và Israel (đều 4,5%) cũng lọt vào tốp 10 nước chi tiêu quốc phòng lớn nhất toàn cầu.
Các chuyên gia IISS nhận định, trong thời gian tới, chi tiêu quân sự hằng năm tại khu vực Trung Đông vẫn có xu hướng gia tăng, ngay cả khi các quan hệ ngoại giao đã đạt được nhiều cải thiện, ví dụ như việc khôi phục quan hệ ngoại giao và kinh tế của Qatar với Saudi Arabia và UAE, các cuộc đàm phán khôi phục quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran, cũng như sự gia tăng hy vọng về một giải pháp kiến tạo hòa bình lâu dài ở Yemen. Những cải thiện này khó có thể ngăn cản các nước trong khu vực Trung Đông duy trì tỷ lệ chi tiêu quân sự cao, nhất là trong bối cảnh tình hình khu vực này nói riêng và toàn cầu nói chung còn rất nhiều biến động khó lường.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/trung-dong-tang-manh-chi-tieu-quoc-phong-trong-nam-2022-726948
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()