Trung Ðông lại "dậy sóng"
"Bức tranh Trung Đông" lại nhuốm máu trong mấy ngày qua, khi làn sóng biểu tình và bạo lực lại trào dâng tại nhiều nước trong khu vực, từ I-rắc, Xy-ri tới Ba-ranh, Ai Cập... Dù điều kiện, hoàn cảnh rất khác nhau, song cuộc khủng hoảng chính trị và bạo lực ở các nước kể trên đều có những "mẫu số chung" không khó để nhận biết.Một trong những tâm điểm của bạo lực tại Trung Đông mấy ngày qua là I-rắc. Đất nước này vừa trải qua tháng 1 là "tháng đẫm máu" nhất kể từ tháng 9-2012 với hàng loạt các vụ đánh bom, song làn sóng biểu tình và bạo lực chưa có dấu hiệu dừng lại. Hôm 16-2, Thiếu tướng A.Ao-u-ni, Giám đốc Học viện Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng I-rắc cùng ba vệ sĩ đã chết trong một vụ đánh bom liều chết tại miền bắc nước này. Trước đó, một loạt vụ đánh bom xe tại các khu vực người Hồi giáo dòng Si-ít ở I-rắc, đã làm ít nhất 29 người chết và 70 người bị thương. Trong khi đó, hãng tin AFP cho biết, hàng nghìn người Hồi giáo dòng...
Một trong những tâm điểm của bạo lực tại Trung Đông mấy ngày qua là I-rắc. Đất nước này vừa trải qua tháng 1 là “tháng đẫm máu” nhất kể từ tháng 9-2012 với hàng loạt các vụ đánh bom, song làn sóng biểu tình và bạo lực chưa có dấu hiệu dừng lại. Hôm 16-2, Thiếu tướng A.Ao-u-ni, Giám đốc Học viện Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng I-rắc cùng ba vệ sĩ đã chết trong một vụ đánh bom liều chết tại miền bắc nước này. Trước đó, một loạt vụ đánh bom xe tại các khu vực người Hồi giáo dòng Si-ít ở I-rắc, đã làm ít nhất 29 người chết và 70 người bị thương. Trong khi đó, hãng tin AFP cho biết, hàng nghìn người Hồi giáo dòng Xun-nít ở I-rắc đã biểu tình, kêu gọi lật đổ chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng N.Ma-li-ki, với cáo buộc rằng, chính quyền đối xử bất công với người Xun-nít.
Trong khi đó, tại Ba-ranh, làn sóng biểu tình chống chính phủ cũng đã biến thành bạo loạn và có nguy cơ đẩy vương quốc nằm ở vị trí chiến lược này lún sâu hơn vào bế tắc chính trị. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát bùng nổ sau đám tang của một thiếu niên mà phe đối lập cho là bị cảnh sát bắn chết trong một ngôi làng của người Si-ít gần Thủ đô Ma-na-ma hôm 14-2. Cảnh sát phải sử dụng hơi cay để trấn áp đám đông sau khi hàng trăm thanh niên dùng gạch đá tiến công họ. Đến ngày 16-2, ít nhất hai người đã chết và có tới 75 cảnh sát bị thương. Bộ trưởng Nội vụ Ba-ranh, Trung tướng A.Kha-li-pha phải kêu gọi người dân nước này từ bỏ bạo lực và nhấn mạnh rằng, đối thoại dân tộc là cơ hội để giải quyết
các vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt. Các vụ bạo lực nổ ra trong bối cảnh 27 đại diện từ các lực lượng chính trị khác nhau ở Ba-ranh đang tham gia vòng đàm phán thứ hai tại nước này. Nhưng một nhóm đối lập chính đã quyết định rời bàn đàm phán vì bạo lực gia tăng trên khắp đất nước.
Một quốc gia Trung Đông khác là Xy-ri cũng đang trải qua những ngày đẫm máu nhất. Tổ chức giám sát nhân quyền Xy-ri (SOHR) cho biết, ít nhất 84 người, trong đó có 31 binh sĩ chính phủ, 30 tay súng chống đối và 23 dân thường đã chết trong các vụ bạo lực xảy ra ở Xy-ri ngày 16-2. Cũng trong tuần qua, các phiến quân Hồi giáo thánh chiến đã sát hại 14 nhân viên tình báo Xy-ri trong hai vụ đánh bom liều chết nhằm vào văn phòng của cơ quan này ở tỉnh Ha-xa-kê. Không chỉ hứng chịu bạo lực và đổ máu, Xy-ri còn đang đối mặt “làn sóng bắt cóc” do xung đột sắc tộc giữa người Hồi giáo dòng Si-ít và Xun-nít tại nước này. Theo SOHR, hơn 300 người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đã bị các nhóm có vũ trang bắt cóc trong mấy ngày qua ở tây-bắc Xy-ri. Làn sóng bắt cóc này rộ lên ở Xy-ri kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột cách đây gần hai năm. Nhưng quy mô của vụ bắt cóc gần đây lớn chưa từng thấy khiến SOHR gọi đây là “một tội ác chiến tranh”.
Trong khi đó, tại Ai Cập, hàng nghìn người thuộc phe Hồi giáo đã tham gia tuần hành trước cửa Đại học Cai-rô nhằm ủng hộ Tổng thống M.Mo-xi và phản đối bạo lực. Trong khi đó, các cuộc biểu tình đòi Thủ tướng H.Can-đin từ chức và phản đối Tổng thống Mo-xi cũng diễn ra ở nhiều nơi. Người biểu tình lên án chính quyền của Tổng thống Mo-xi đã xóa tội và phóng thích hàng loạt quan chức của chế độ cũ trong những tuần gần đây. Bộ Y tế Ai Cập cho biết, nhiều người thiệt mạng, 26 người bị thương khi người biểu tình dùng bom xăng và gạch đá tiến công Phủ tổng thống và đụng độ với lực lượng cảnh sát.
Dẫu các quốc gia Trung Đông trong “bức tranh máu” trên có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, song nhìn vào làn sóng biểu tình, bạo lực dâng cao ở những nước này gần đây, có thể nhận thấy những “mẫu số chung”. Thứ nhất, các vụ biểu tình, bạo lực đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo và chính trị kéo dài, dẫn đến bế tắc chính trị khó có thể tháo gỡ. Thứ hai, triển vọng hòa giải, hòa bình cho những quốc gia kể trên là vô cùng mong manh. Bởi, khi những “cơ hội vàng” để đối thoại và hòa giải dân tộc bị đánh mất, thì bạo lực tiếp tục sinh ra bạo lực, khoét sâu hận thù và đẩy các nước này lún sâu hơn vào khủng hoảng. Thứ ba, sâu xa hơn, làn sóng biểu tình, bạo lực và bất ổn hôm nay chính là “trái đắng”, là hệ lụy của những “mùa xuân A-rập” mà phương Tây đã kích động và gieo rắc ở các nước Trung Đông, Bắc Phi khoảng hai năm về trước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()