Trực tuyến triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
LSO-Ngày 20/6/2019, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc, dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2018, thiệt hại do thiên tai gây ra giảm nhiều so với trung bình nhiều năm. Tuy vậy, cả nước vẫn có 224 người chết và mất tích; 1.967 nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, hư hỏng; 261.337 ha lúa, hoa màu bị ngập, úng; 29.400 con gia súc, 774.427 con gia cầm bị chết… Ước tổng thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng. Những tháng đầu năm 2019, thiên tai xảy ra trên khắp cả nước làm 23 người chết và mất tích, 36 người bị thương.
Tại Lạng Sơn, năm 2018, thiên tai làm 4 người chết, 1 người bị thương; 99 nhà bị ảnh hưởng; 1.334 ha lúa bị ngập và cuốn trôi; 679 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi… ước tổng thiệt hại trên 60 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm thiên tai làm 1 người chết; 437 ngôi nhà bị tốc mái; 25 ha hoa màu bị ngập, đổ… ước thiệt hại trên 3,1 tỷ đồng.
Tại hội nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; bài học kinh nghiệm rút ra sau mỗi đợt thiên tai lớn; những mục tiêu, nhiệm vụ cần thực hiện trong công tác phòng chống thiên tai thời gian tới nhằm giảm thiếu đến mức tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần thực hiện tốt một số nội dung: kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT các cấp; rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án PCTT&TKCN, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi xảy ra thiên tai; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân PCTT; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, đảm bảo chính xác, kịp thời hơn; nâng cao khả năng, sức chống chịu thiên tai của các hồ, đập, đê…
Cùng với đó, nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành của cơ quan PCTT các cấp từ trung ương đến địa phương; ưu tiên bố trí nguồn lực, kinh phí đầu tư cho PCTT&TKCN; đẩy mạnh nghiên cứu, trao đổi ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới…
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()