Trục động lực giúp Cao Bằng đột phá
Quốc lộ 4A nối Cao Bằng với Lạng Sơn.
Cao Bằng cách Thủ đô Hà Nội khoảng 300 km, địa hình chia cắt phức tạp với nhiều núi cao, vực sâu, độ dốc lớn. Hiện nay, từ Hà Nội, chỉ có hai ngả đường bộ tới Cao Bằng với thời gian khoảng nửa ngày bằng ô-tô: một là đi theo quốc lộ 3 (Thái Nguyên – Bắc Cạn – Cao Bằng), hai là theo quốc lộ 1 (Hà Nội – Lạng Sơn) rồi qua quốc lộ 4A sang. Cả hai ngả đều là nỗi ngán ngại của cánh lái xe, với những địa danh đèo Giàng, đèo Gió, đèo Bông Lau quanh co, hiểm trở và nguy hiểm. Ước muốn có một tuyến cao tốc để thông thương, đánh thức tiềm năng phát triển của mảnh đất địa đầu cách mạng luôn ấp ủ trong lòng nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Trước đây, các đơn vị trong ngành giao thông đã khảo sát, nghiên cứu hướng tuyến cao tốc nối Ðồng Ðăng với Trà Lĩnh dài gần 150 km, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 47.500 tỷ đồng, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh, suốt một thời gian dài, lãnh đạo tỉnh tìm mọi cách để sớm triển khai dự án, tuy nhiên, tổng vốn quá lớn so với khả năng địa phương, trong khi hình thức BOT lại chưa có nhà đầu tư nào tham gia. Một số nhà đầu tư nước ngoài đề xuất tham gia, nhưng thực chất chỉ muốn gợi ý Chính phủ vay vốn thực hiện dự án và họ là nhà thầu thi công. Mọi việc tưởng như bế tắc, thì gần đây, trong quá trình xúc tiến đầu tư, tỉnh đã mời Công ty cổ phần Tập đoàn Ðèo Cả (CT Ðèo Cả) khảo sát, nghiên cứu, lập phương án đầu tư đối với dự án. TS Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn A2Z cho biết, sau khi tính toán, điều chỉnh hướng tuyến tối ưu (cơ bản bám theo hướng tuyến đã theo quy hoạch), chiều dài tuyến còn 115 km (rút ngắn gần 30 km so phương án cũ), kết nối vào tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng mà CT Ðèo Cả đang triển khai tại khu vực hai cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam (đều thuộc Lạng Sơn). Tuyến cao tốc này cũng được thiết kế tương tự các dự án cao tốc bắc – nam, rộng 17 m, quy mô bốn làn xe cơ giới, tốc độ 80 km/giờ, trên tuyến xây dựng 18 cầu, sáu hầm đường bộ ngắn (tổng chiều dài 2.550 m), 21 hầm dân sinh,… Qua việc áp dụng công nghệ thi công hầm xuyên núi, tổng mức đầu tư dự án chỉ còn khoảng 20.938 tỷ đồng, giảm hơn 26 nghìn tỷ đồng so các nghiên cứu trước đó. Theo tính toán của CT Ðèo Cả, cơ cấu vốn dự án gồm vốn nhà đầu tư và vay tín dụng hơn 13.892 tỷ đồng (chiếm khoảng 64%); ngân sách 7.546 tỷ đồng (khoảng 33,66%), dự kiến triển khai trong giai đoạn 2019 – 2022 và hoàn vốn trong 25 năm.
Theo kết quả khảo sát và dự báo nhu cầu vận tải, tuyến cao tốc Ðồng Ðăng – Trà Lĩnh trong khoảng 10 năm đầu khai thác (2023 – 2032) đạt khoảng 6 đến 10 nghìn xe/ngày đêm, chỉ bằng một phần ba so với cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn cùng thời điểm. Do đó, giai đoạn 2019 – 2020, các bên liên quan phải hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư, tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách hiện nay để dự án có thể thực hiện từ năm 2020.
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn khẳng định, triển khai tuyến cao tốc Ðồng Ðăng – Trà Lĩnh là quyết tâm, khát vọng của Ðảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh. Tuyến đường sẽ giải quyết năm vấn đề lớn cho Cao Bằng, nhất là về chính trị, bởi tỉnh có đến 95% đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao. Ðường cao tốc sẽ giúp xóa nghèo, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Ðồng thời, giúp tháo gỡ điểm nghẽn để đột phá phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng – an ninh biên giới. Dự án còn góp phần tạo tiền đề phát huy các lợi thế sẵn có của tỉnh, tăng thu ngân sách bền vững từ dịch vụ du lịch, thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, giải quyết vấn đề thu ngân sách hằng năm, giảm áp lực điều tiết các nguồn hỗ trợ từ Trung ương. Hiện nay, báo cáo tiền khả thi dự án đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, khi được thông qua, tỉnh sẽ cùng nhà đầu tư xây dựng báo cáo khả thi, song song thực hiện tiểu dự án đường kết nối các khu vực dân cư với tuyến đường công vụ, sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ dự án. Chủ tịch HÐQT CT Ðèo Cả Hồ Minh Hoàng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo dự án chia sẻ, nhà đầu tư và tỉnh Cao Bằng đã thảo luận nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ bất cập để triển khai dự án. Trong đó, việc điều chỉnh hướng tuyến đã tính toán để tạo thuận lợi nhất kết nối đến các di tích lịch sử, khu du lịch và hình thành quỹ đất giúp địa phương huy động nguồn lực. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phân kỳ đầu tư và cơ cấu nguồn vốn với tỷ lệ ngân sách Trung ương chiếm 20%, ngân sách địa phương 20%, còn lại 60% từ vốn của nhà đầu tư và vốn tín dụng. Ðể bảo đảm phương án tài chính, dự án cần được quan tâm, bố trí vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương cũng phải có kế hoạch cụ thể ưu tiên huy động vốn, tập trung nguồn lực cho dự án. Mặc dù là đơn vị đề xuất dự án nhưng CT Ðèo Cả đã chủ động đề xuất tiến hành đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư sau khi dự án được phê duyệt, bảo đảm công khai, minh bạch.
Ngày 15-3 vừa qua, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh đầu tư tuyến đường cao tốc, bố trí vốn đối ứng cho dự án là 20% (2.500 tỷ đồng) theo tinh thần Thông báo số 451/TB-VPCP ngày 7-12-2018. Ðồng thời, tỉnh Lạng Sơn bố trí nguồn vốn hỗ trợ dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Hữu Nghị – Chi Lăng theo đúng yêu cầu để bảo đảm dự án cao tốc Ðồng Ðăng – Trà Lĩnh triển khai đúng tiến độ,… Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ đánh giá, việc lựa chọn UBND tỉnh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án là một thuận lợi. Tỉnh cần mời đại diện các bộ, ngành tham gia Ban Chỉ đạo thực hiện dự án, các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và nhất là Bộ Giao thông vận tải phải nằm trong Ban Chỉ đạo để phối hợp thực hiện dự án, tạo sự ăn khớp nhịp nhàng ngay từ đầu, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh. Ngoài quyết tâm cao, việc triển khai phải quyết liệt và kịp thời thì dự án mới đạt yêu cầu tiến độ, giúp vùng đất địa đầu cách mạng bứt phá phát triển.
UBND tỉnh Cao Bằng đã kiến nghị Chính phủ chấp thuận triển khai dự án đường cao tốc Ðồng Ðăng – Trà Lĩnh theo hình thức PPP, có sự tham gia của phần vốn nhà nước (tỷ lệ tương tự dự án đường cao tốc bắc – nam). Ðồng thời, đề xuất giao UBND tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập và thẩm định dự án; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam tham gia đánh giá, thẩm định việc tài trợ vốn cho dự án để có cơ sở xác định nguồn vốn tín dụng tham gia đầu tư.
Theo Nhandan
Ý kiến ()