Trụ sở dôi dư sau sáp nhập sẽ được chuyển đổi công năng sử dụng thế nào?
Theo chuyên gia, khi sáp nhập tỉnh, xã và bỏ cấp huyện, hàng loạt trụ sở hành chính nên chuyển đổi thành trường học, bệnh viện, nhà ở xã hội… để chống lãng phí.
Chủ trương sáp nhập bộ ngành, tinh gọn bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương không chỉ tác động đến cơ cấu tổ chức mà còn nảy sinh dôi dư tài sản công (bất động sản, trang thiết bị, phương tiện...). Những tòa nhà hành chính vốn được đầu tư xây dựng với kinh phí lớn, nay đứng trước nguy cơ bỏ không, lãng phí, hoặc sử dụng không hiệu quả.
Đây không chỉ là vấn đề về tài sản công mà còn đặt ra bài toán quản lý, tái sử dụng và tối ưu hóa nguồn lực trong bối cảnh cải cách hành chính mạnh mẽ.

Ưu tiên phục vụ y tế, giáo dục
Trả lời phóng viên Báo Điện tử VTC News, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, nhận định, đây là một bài toán phức tạp cần được tính toán, quy hoạch, đưa ra giải pháp để tránh lãng phí nguồn lực.
Ông Nghiêm cho biết, có hai nhóm tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, bao gồm: trụ sở hành chính và trang thiết bị trong trụ sở.
Trong đó, các trang thiết bị (bàn ghế, máy tính, máy in, xe ô tô…) xử lý dễ hơn thông qua bán đấu giá, nhưng với trụ sở dôi dư thì việc xử lý rất phức tạp.
Hai tỉnh sáp nhập lại, trụ sở UBND của một tỉnh có thể chuyển đổi thành một bệnh viện, một trường cấp ba, khu nhà ở cho người có thu nhập thấp
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
"Phải kiên quyết xử lý những bất hợp lý trong sử dụng tài sản công, bởi đây là nguồn lực rất lớn và cũng rất quan trọng. Muốn công khai, minh bạch, cần phải có thống kê số lượng cấp tỉnh, thành phố quản lý ra sao, rồi cấp huyện quản lý thế nào. Việc này cũng phụ thuộc vào phương án sáp nhập tỉnh, thành để có sự sắp xếp hợp lý", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Sau khi thực hiện thống kê, rà soát, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, các cơ sở nhà đất công dôi dư nên được xử lý theo 3 phương án tùy theo từng vị trí cơ sở nhà đất.
Một là quy hoạch phát triển các công trình công cộng phục vụ dân cư.
"Hiện nay đang rất thiếu trường học, thiếu bệnh viện, nhà ở xã hội… Hai tỉnh sáp nhập lại, trụ sở UBND của một tỉnh có thể chuyển đổi thành một bệnh viện, một trường cấp ba, khu nhà ở cho người có thu nhập thấp. Hay những công trình dôi dư khác có thể làm công viên, cây xanh, bãi gửi xe góp phần chỉnh trang đô thị…", vị kiến trúc sư góp ý.
Phương án thứ hai là các cơ quan quản lý Nhà nước hợp tác với doanh nghiệp tư nhân để khai thác các cơ sở nhà đất dôi dư hiệu quả.
Và phương án thứ ba được TS Đào Ngọc Nghiêm đề cập là chuyển dịch tài sản công thành tài sản tư thông qua đấu giá, đấu thầu, tăng thu ngân sách.
"Các trụ sở làm việc cũ sẽ phục vụ vào việc gì là bài toán phải làm cẩn thận, tỉ mỉ. Trước đây, di dời trụ sở bộ, ngành tại Hà Nội, vị trí các trụ sở cũ được sử dụng làm công trình công cộng, không gian xanh. Ngoài ra, có thêm một phương án là cho thuê hoặc bán các trụ sở cũ để tăng ngân sách, tuy nhiên, phương án vẫn nằm trên giấy", ông Nghiêm nêu thực tế.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho biết, để sử dụng tài sản công dôi dư sau sáp nhập trước hết cần kiểm kê, đánh giá và công khai minh bạch quỹ nhà đất công.
Cụ thể, tổng rà soát, cập nhật dữ liệu về tình trạng sử dụng nhà đất công, nhất là các tài sản dôi dư do sắp xếp lại bộ máy; xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa để theo dõi và quản lý tài sản công minh bạch.
Một việc cũng cần thiết, theo ông Long, là công khai danh mục nhà đất công để xã hội giám sát nhằm tránh thất thoát, lợi ích nhóm.
"Cần điều chuyển, tái sử dụng hiệu quả ngay trong hệ thống Nhà nước, chuyển giao trụ sở dôi dư cho các cơ quan Nhà nước khác có nhu cầu thay vì thuê mới hoặc xây mới. Điều chỉnh công năng để phục vụ các mục tiêu công như bệnh viện, trường học, trung tâm hành chính, làm nhà ở công vụ, ký túc xá, trung tâm đào tạo công chức…", ông Ngô Trí Long nói.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cũng đưa ra phương án tổ chức đấu giá công khai đối với những cơ sở nhà đất cơ quan Nhà nước không có nhu cầu sử dụng nhằm lấy nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Cũng có thể cho doanh nghiệp thuê lại các tòa nhà công không sử dụng làm văn phòng, start-up, không gian sáng tạo.
"Đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp bỏ hoang, sử dụng sai mục đích. Quy định trách nhiệm cụ thể với lãnh đạo đơn vị có nhà đất công bỏ hoang, sử dụng lãng phí. Xây dựng cơ chế thu hồi tài sản công bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích", vị chuyên gia kiến nghị thêm.
Trong phương án sáp nhập phải có phương án xử lý tài sản
Ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, khi có phương án chính thức về việc sáp nhập, hợp nhất các bộ ngành, tỉnh thành, xã phường và bỏ cấp huyện thì bao gồm trong đó phải có kế hoạch xử lý các tài sản công để tránh lãng phí.
Đây là việc quan trọng và chắc chắn phải thực hiện công khai, minh bạch và chi tiết.
"Khi sắp xếp lại bộ máy, các đơn vị thực hiện đã có kế hoạch về số lượng nhân sự và đối chiếu theo đó là vị trí làm việc để lên phương án chỗ làm việc. Mỗi đơn vị sẽ có cách sắp xếp khác nhau, việc sử dụng trụ sở mới hay tiếp tục làm việc tại trụ sở cũ cũng sẽ phụ thuộc cơ cấu cán bộ, nhân sự", ông Chính nhận định.
Bộ Tài chính đề nghị trong phương án tổ chức lại các cơ quan, đơn vị, phải có phương án về xử lý tài sản
Ông Nguyễn Tân Thịnh
Liên quan đến việc hướng dẫn xử lý tài sản công khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) nhìn nhận, đây là vấn đề rất lớn.
Theo đó khi tổ chức sắp xếp lại bộ máy, hệ thống chức danh chức vụ, danh mục cơ quan đơn vị có sự thay đổi, dẫn tới thay đổi trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Ông Thịnh cho biết, hiện nay pháp luật có quy định cụ thể về xử lý cơ sở nhà đất ở nơi cũ mà không còn nhu cầu sử dụng thì có thể thu hồi, điều chuyển cho địa phương để quản lý, xử lý.
"Đợt này chúng tôi đề nghị trong phương án tổ chức lại các cơ quan, đơn vị, phải có phương án về xử lý tài sản. Ví dụ bây giờ 1 huyện không còn nữa thì tài sản của huyện đó chuyển giao cho xã nào, ai quản lý thì trong phương án về sắp xếp bộ máy phải có phương án về xử lý tài sản, để chúng ta chủ động hơn trong xử lý tài sản", ông Thịnh nói.
Song song đó, Bộ Tài chính đang chuẩn bị điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về tài sản công cho phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới và hệ thống chức danh chức vụ mới như về hệ thống tiêu chuẩn định mức về quản lý, sử dụng tài sản công.
"Bộ Tài chính đang theo dõi sát tình hình, tiến độ sắp xếp lại các cơ quan đơn vị, để chuẩn bị các văn bản và sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền ban hành ngay sau khi chính thức các phương án về tổ chức bộ máy được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Qua đó làm căn cứ cho các bộ ngành địa phương, các cơ quan đơn vị thực hiện việc bố trí, sử dụng tài sản, sắp xếp xử lý tài sản dôi dư", ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết thêm.
Ý kiến ()