Trong vòng ba ngày qua, đã có 77 người chết và mất tích do mưa lũ
Tính đến sáng nay, thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy đã có 37 người chết và 40 người mất tích do đợt mưa lũ trong vòng 3 ngày qua (từ ngày 9-10 đến sáng 12-10).
Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp khẩn sáng nay của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để chỉ đạo các giải pháp ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn biến rất phức tạp.
Thông tin từ cuộc họp cho biết, tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình thượng nguồn hồ thuỷ điện Hòa Bình vào lúc 1 giờ sáng nay đã xảy ra một vụ sạt lở núi vùi lấp bốn ngôi nhà làm ít nhất 19-20 người bị chôn vùi trong lớp đất đá. Hiện khoảng 400 người đang tập trung tại tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình để tìm kiếm các nạn nhân.
Tính đến 7 giờ sáng 12-10 đã tìm được 7 người, hiện lực lượng cứu hộ đang khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân còn lại.
Tại Ninh Bình, đêm qua UBND tỉnh đã phải phát lệnh di dời khẩn cấp hàng nghìn hộ dân tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn. Cụ thể, số lượng dân phải di dời gồm 309 hộ dân vùng xả lũ cống Mai Phương, 3.331 hộ dân vùng xả tràn Lạc Khoái, huỵen Gia Viễn, và dân vùng trũng thấp tại bảy xã thuộc huyện Nho Quan phòng trường hợp phải xử lý vận hành tràn Lạc Khóa và tràn Đức Long – Gia Tường. Hiện tại mực nước sông Hoàng Long ở Bến Đế đã ở mức 5,51m, vượt mức báo động 3 là 1,51m, cao hơn mức lũ lịch sử năm 1985 là 0,27m. Dự báo trong 12 giờ tới mực nước đạt đỉnh là 5,6m sau đó xuống mức 5,3m.
Mực nước sông Thao tại Yên Bái là 32,20m, vượt mức báo động 3 là 0,30m. Mực nước sông Bưởi ở Kim Tân (Thanh Hóa) đạt mức 12,19m, vượt báo động 3 là 1,19m, dự báo trong 12 giờ tới đạt đỉnh 13,14m, sau xuống mức 12,8m.
Tỉnh Hòa Bình cũng đã di dời hơn 300 hộ dân các vùng hạ du hồ Cháu Mè, hạ du hồ Hòa Bình và một số hộ dân vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở đất. Hồ Hòa Bình sau khi mở liên tiếp tám cửa xả đáy, đến 7h30 sáng nay, đã lần lượt đóng năm cửa xả đáy, hiện còn mở ba cửa xả đáy.
Tỉnh Yên Bái đã di dời và bố trí nhà tạm cho 153 hộ dân trong vùng nguy hiểm.
Một số hồ chứa nước đã có sự cố, cụ thể đập hồ Cháu Mè (Hòa Bình) bị sạt mái hạ lưu, đập Cồ Bương (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bị vỡ 12m, hồ Đập Cầu (Hà Trung, Thanh Hóa) bị sạt mái 60m, một số đập bị tràn nước như đập hồ Ông Già (Thanh Hóa), đập Trại Gà (Nghi Lộc, Nghệ An), đập hồ chưa Cố Châu (Can Lộc, Hà Tĩnh) bị vỡ 28m. Các địa phương hiện đang xử lý các sự cố này.
Tính đến nay, đã có 217 căn nhà bị sập, 1059 nhà bị hư hỏng, 16.740 nhà bị ngập, 791 nhà phải di dời.
Quốc lộ 6, 21 đoạn đi qua Hòa Bình bị sạt lở và ngập nhiều đoạn, ngoài ra còn sạt lở hai điểm tại Quốc lộ 217, 15 đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, hai điểm quốc lộ 32 qua Yên Bái, một số điểm quốc lộ 37, 43 qua Sơn La, và nhiều điểm tại các Quốc lộ 15A, 16, 48, 48B, 48D, 48E qua Nghệ An; ngập nhiều điểm tại các Quốc lộ 15A, 48B, 48E, có điểm ngập sâu 2-5m (Nghệ An).
Ban chỉ đạo Trung ương cho biết, sáng nay Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp dẫn đầu hai đoàn công tác đến hai tỉnh Hoà Bình và Ninh Bình để chỉ đạo công tác phòng chống mưa lũ, khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()