Tròng trành “chở chữ” qua sông
LSO- Bình Gia là huyện nghèo theo Quyết định 30a. Do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên tại nhiều xã có sông ngòi chia cắt không có cầu bắc qua. Hạn chế này khiến nhiều giáo viên phải chèo bè để mang con chữ đến với học sinh vùng đặc biệt khó khăn này.
Giáo viên tiểu học điểm trường Vằng Phya, xã Hồng Phong (Bình Gia) chèo bè qua sông Bắc Giang để đến trường
Hiện Bình Gia có số xã vùng ba nhiều nhất toàn tỉnh với 17/20 xã, thị trấn. Huyện có 2 con sông lớn chảy qua. Trong đó sông Bắc Giang với chiều dài trên 50 km qua địa bàn xã Hồng Phong, Hoa Thám, Quý Hòa, Vĩnh Yên, Quang Trung, Yên Lỗ. Sông Pắc Khuông qua xã Thiện Thuật, nhập vào sông Bắc Giang tại xã Hồng Phong.
Do điều kiện kinh tế – xã hội của huyện còn khó khăn nên cầu bắc qua sông còn chiếm số lượng ít. Đến nay, vẫn có hơn 20 điểm trường tại các xã nói trên bị chia cắt bên sông. Phương tiện đi lại của giáo viên, học sinh và nhân dân chủ yếu bằng bè mảng. Trong số này khó khăn nhất phải kể đến điểm trường Vằng Phya, xã Hồng Phong; Nà Kéo, xã Quý Hòa; Khuổi Luông và Soong Phụ, xã Vĩnh Yên cùng một số điểm trường tại các xã Yên Lỗ, Hòa Bình, Tân Hòa…
Để mang “con chữ” đến với học sinh, các thầy, cô giáo phải chạy xe hàng chục ki lô mét, đi bộ, chèo bè vượt sông. Vào mùa lũ, nước sông dâng cao, việc lưu thông qua sông rất nguy hiểm, thậm chí không lưu thông được, do đó việc dạy và học phải tạm nghỉ.
Có mặt tại điểm trường Vằng Phya, xã Hồng Phong mới thấy hết những khó khăn, hiểm nguy mà giáo viên ở đây trải qua. Cách trung tâm xã hơn chục ki lô mét, giáo viên ở đây phải chạy xe trên những đoạn đường nhỏ hẹp, trơn trượt rồi chèo bè qua sông và đi bộ gần 1 km mới đến được trường. Điểm trường có 1 lớp mầm non, 4 lớp tiểu học với hơn 50 học sinh. Đoạn sông Bắc Giang qua địa bàn có lòng rộng, đáy sâu, nước chảy xiết. Thầy giáo Dương Công Diên quê ở huyện Bắc Sơn đã nhiều năm dạy học tại đây kể: “Từ nhà tôi đến trường hơn 50 km. Đường xa không ngại chỉ ngại nhất mỗi khi qua sông. Sơ sẩy một chút là lật bè, nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều lần cặp sách bị rơi xuống nước ảnh hưởng đến việc dạy chữ cho các em”.
Cô giáo Nông Thị Bảy, điểm trường Vằng Phya hướng dẫn học sinh ôn tập bài
Cô Hoàng Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Phong cho biết: Vằng Phya là điểm trường khó khăn nhất ở Hồng Phong. Mỗi lần qua sông, giáo viên phải đi bằng bè tre rất nguy hiểm. Mùa lũ, nước sông dâng cao, thầy cô giáo phải ở lại trường hàng tháng trời mới được về nhà.
Được biết, thời gian qua, tại đoạn sông này đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân. Cụ thể năm 2014, 1 phụ nữ trong thôn qua sông bị lật bè, chết đuối. Thầy Lâm Chí Khanh, Trường Tiểu học Hồng Phong tâm sự: “Dạy học ở đây, giáo viên phải biết chèo bè, không biết chèo bè thì không thể đến được lớp học. Cách đây 2 năm, trên đoạn sông này 1 cô giáo mầm non tự chèo bè qua sông. Do nước sông lớn, căn dòng chảy không chuẩn, bè bị trôi và lật, cô giáo đó bị rơi xuống nước, rất may được người dân cứu sống”.
Hiểm nguy và khó khăn là vậy, song giáo viên ở các điểm trường bên sông ở huyện Bình Gia vẫn đều đặn đến lớp với học sinh. Vào những ngày mưa lũ, học sinh không đi học đầy đủ, giáo viên ở lại trường dạy bù vào ngày nghỉ. Thầy giáo Nông Văn Phúc kể: “Ở một nơi xa xôi, giao thông cách trở như Vằng Phya thì không có gì bằng tình yêu con trẻ. Cả tuần lên lớp gặp học sinh; ăn, ngủ tại trường, khi về nhà lại thấy rất nhớ những ánh mắt ngây thơ, sự hồn nhiên của lũ trẻ và chỉ muốn quay lại trường”.
Ông Liễu Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Bình Gia cho biết: “huyện còn nghèo chưa thể cùng lúc xây dựng được các cây cầu qua sông cho giáo viên và học sinh đến trường thuận tiện. Chúng tôi rất hiểu và thông cảm với những khó khăn, vất vả của đội ngũ giáo viên công tác ở các điểm trường. Hằng năm, ngành luôn biểu dương, khen thưởng nhằm ghi nhận những nỗ lực và sự đóng góp, hy sinh của các thầy, cô giáo công tác ở các điểm trường bên sông để họ an tâm công tác, ngày càng yêu trường, yêu trò hơn”.
Chia tay các giáo viên ở điểm trường Vằng Phya trong lúc các thầy cô vẫn mải mê lên lớp, cô thì nắn cho học sinh biết viết từng nét chữ, cô thì bón từng miếng ăn cho các cháu ăn, thầy thì hướng dẫn các em những động tác thể dục rèn luyện sức khỏe… Hỏi về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Nông Thị Bảy bộc bạch: “Ở đây học sinh chỉ tặng thầy, cô giáo tấm chân tình và những bông hoa dại. Hằng năm, điểm trường có 1/3 số học sinh đạt thành tích trong học tập. Với chúng tôi, học sinh học giỏi, chăm ngoan là niềm vui lớn nhất rồi”.
Có lẽ, đây cũng chính là động lực cho những người “đưa đò” tại những điểm trường bên sông ở Bình Gia vượt mọi gian khó, hiểm nguy, kiên trì đem chữ và ánh sáng tri thức đến học sinh nghèo.
Bài, ảnh: MINH ĐỨC
Ý kiến ()