Trồng sắn tràn lan phá vỡ quy hoạch cây trồng
Mấy năm trở lại đây, giá sắn (củ mì) luôn ở mức ổn định, nông dân có lãi, cho nên việc mở rộng diện tích trồng sắn ở các tỉnh Tây Nguyên đang phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng. Thông tin từ Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT): Cả nước hiện có khoảng hơn 400 nghìn ha sắn, thì riêng Tây Nguyên là 160 nghìn ha.
Tất cả các tỉnh ở Tây Nguyên đều có diện tích sắn trồng vượt quy hoạch rất cao. Ở tỉnh Ðác Lắc năm 2010 chỉ có 27.500 ha sắn, đến đầu năm 2014, lên đến 35.000 ha, trong khi quy hoạch chỉ có 15.000 ha. Tỉnh Kon Tum: Năm 2013, quy hoạch cho cây sắn là 28.000 ha, trong khi đó con số thực tế lên đến 34.000 ha. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2014, nông dân Kon Tum đã trồng được 29.000 ha sắn. Trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua các huyện của tỉnh Kon Tum như Kon Rẫy đi Kon Plong hay Sa Thầy sang Ngọc Hồi rồi vượt lên Ðác Glei…, bạt ngàn rẫy sắn. Tỉnh Gia Lai có 50.000 ha trồng sắn. Diện tích sắn các huyện phía đông tỉnh tăng đột biến, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, chế biến và tiêu thụ. Chỉ riêng huyện Kbang đã có khoảng 5.200 ha sắn, tăng gần 2.000 ha so với quy hoạch… Diện tích sắn vượt kế hoạch ảnh hưởng lớn đến việc quy hoạch cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Nhiều diện tích dự định trồng ngô lai, bông vải, nay nông dân tự ý chuyển sang trồng sắn. Ở xã Lơ Ku – một trong những xã có diện tích sắn tăng cao nhất huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), sắn đang là cây trồng có diện tích dẫn đầu, trong khi cây trồng truyền thống ở đây như ngô lai lại giảm mạnh (chỉ đạt diện tích gieo trồng 24% so với kế hoạch). Ở huyện Kông Chro, nhiều diện tích vốn được quy hoạch để trồng lúa cạn, ngô lai, dưa hấu… nay nông dân tự chuyển đổi sang trồng sắn. Nông dân Ðinh Liu, dân tộc Ba Na, ở làng Hlang 2, xã Yang Nam (huyện Kông Chro) có gần hai ha sắn, nói: Cây sắn dễ trồng, chi phí thấp, ít bị ảnh hưởng do thời tiết nên gia đình mình chuyển từ cây lúa cạn sang trồng sắn. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kông Chro (Gia Lai) Ðinh Xuân Duyên cho biết: Năm 2014, huyện quy hoạch diện tích trồng sắn là 8.500 ha, nhưng đến nay, diện tích sắn đã lên đến hơn 10 nghìn ha. Do cây mè (vừng) và một số loại cây trồng hằng năm của huyện phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trong khi cây sắn mấy năm nay giữ giá mức ổn định, lại dễ trồng, đầu tư ít nên nông dân tự ý chuyển đổi một số diện tích trồng mè sang trồng sắn, làm ảnh hưởng đến các cây trồng khác, thậm chí bà con phá cả rừng để lấy đất trồng sắn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái. Ông Y Sanh Niê ở thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp cho biết, thấy nhiều người trồng sắn thu lợi nhuận cao nên đầu năm 2013, gia đình ông đã đầu tư trồng mới 60 ha sắn. Ước tính, nếu giá bán vẫn giữ ở mức cao như hiện nay thì đến dịp giáp Tết Nguyên đán, gia đình ông sẽ thu lãi gần hai tỷ đồng.
Hậu quả khó lường
Việc nông dân mở rộng diện tích trồng sắn một cách tự phát đã làm sản lượng sắn tăng đột biến. Sản phẩm nhiều lúc bị ứ đọng, bị ép giá. Tỉnh Gia Lai có bốn nhà máy sắn với tổng công suất 1.640 tấn/ngày nhưng nhiều lúc không thể tiêu thụ hết lượng sắn của nông dân. Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN và PTNT tỉnh Gia Lai) Nguyễn Văn Bộ cho biết: Bốn nhà máy sắn ở tỉnh, nhiều lúc chỉ tiêu thụ được 40% sản lượng sắn toàn tỉnh. Theo đó, lượng sắn còn lại trôi nổi trên thị trường, bị tư thương ép giá, gây thiệt thòi lớn cho nông dân. Tỉnh Kon Tum có tổng cộng năm nhà máy sắn, cũng hoạt động trong tình trạng nêu trên. Tỉnh Ðác Lắc có bốn nhà máy chế biến tinh bột sắn, gồm: Nhà máy sắn Thành Vũ, Nhà máy sắn Buôn Ja Wầm và hai nhà máy của Công ty Lương thực – Vật tư nông nghiệp Ðác Lắc. Bốn nhà máy này có tổng công suất 80.000 tấn tinh bột sắn/năm (tương đương 300.000 tấn củ tươi/năm).
Theo Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN và PTNT Ðác Lắc Trịnh Tiến Bộ, bốn nhà máy chế biến tinh bột sắn tiêu thụ khoảng hơn 220.000 tấn sắn củ mỗi năm, chưa tính số sắn lát, sắn củ bán cho thương nhân các tỉnh khác lên tranh mua. Từ thực tế đó, nhiều vùng tăng cường mở rộng diện tích loại cây trồng này, làm bùng nổ diện tích sắn ở Tây Nguyên trong những năm gần đây đến mức địa phương và ngành không kiểm soát nổi và dẫn đến nhiều hệ lụy là: Phá vỡ quy hoạch chung của ngành nông, lâm nghiệp ở địa phương; ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng…
Sắn là loại cây trồng dễ tính, có thể sinh trưởng tốt ở những khu vực có điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt, thiếu nước mà các loại cây trồng khác không phát triển được. Thế nhưng, diện tích sắn đang tăng nhanh sẽ khiến diện tích loại cây trồng khác bị thu hẹp lại, rừng và đất rừng cũng bị mất đi. Ðiều đáng lo ngại là chất lượng sắn thấp, sản lượng không cao, cho nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá cả không ổn định, nông dân dễ bị lỗ. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân không nên chuyển đổi các loại cây trồng đang cho thu nhập ổn định sang trồng sắn. Các địa phương cần làm tốt việc quản lý diện tích sắn, đưa vào sản xuất nhiều giống sắn năng suất cao, cũng như đầu tư thâm canh, xen canh các loại cây ngắn ngày khác, không độc canh cây sắn. Ðể cây sắn phát triển bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp ngoài tỉnh. Các nhà máy chế biến cũng cần tạo điều kiện cho người dân vay vốn theo hình thức cung ứng trước bằng vật tư, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ công tác khuyến nông; xây dựng khung giá mua hợp lý và có sự thỏa thuận giữa nhà máy với hộ dân, thu mua hết sản phẩm với giá ổn định, hợp lý.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()