Trồng sa nhân tím: Hướng phát triển kinh tế mới ở Đào Viên
Người dân thôn 3, xã Đào Viên chăm sóc vườn sa nhân tím
– Với khả năng chịu hạn tốt, dễ chăm sóc, giá trị kinh tế cao, cây sa nhân tím đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho người dân xã biên giới Đào Viên, huyện Tràng Định.
Là một trong những hộ tiên phong trồng cây sa nhân tím trên địa bàn xã, ông Đoạn Văn Hùng, thôn 4 cho biết: Trước đây, gia đình tôi đã trồng cây sa nhân tím nhưng với diện tích nhỏ lẻ, chỉ khoảng vài chục gốc. Nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, có thương lái thu mua quả với giá cao, nên từ năm 2017, gia đình tôi đã nhân giống mở rộng diện tích trồng. Sau khoảng 3 năm trồng, chăm sóc, cây sa nhân bắt đầu cho thu hoạch quả, sản lượng tăng dần qua các năm. Đến nay, gia đình tôi đã mở rộng diện tích trồng lên trên 2 ha. Vụ sa nhân năm nay, gia đình thu hoạch được hơn 1,2 tấn quả mang về thu nhập hơn 50 triệu đồng.
Tương tự gia đình ông Hùng, gia đình bà Nông Thị Vụ, thôn 1 cũng bước đầu có thu nhập từ trồng cây sa nhân tím. Bà Vụ cho biết: Tận dụng diện tích tán rừng rộng, cách đây 5 năm, gia đình tôi trồng trên 1,5 ha cây sa nhân tím. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay, vườn sa nhân phát triển tốt. Vụ sa nhân năm nay, gia đình tôi thu hoạch được gần 1 tấn quả, bán với giá trung bình 40.000/kg, mang lại thu nhập trên 40 triệu đồng.
Trước đây, cây sa nhân mọc tự nhiên trong rừng nhưng năng suất và chất lượng quả không cao. Từ năm 1990, sau khi nghe giới thiệu về các công dụng rất tốt của loại cây này, một số hộ dân đã trồng thử nghiệm dưới tán rừng. Cây sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Từ năm 2015 trở lại đây, nhận thấy cây sa nhân mang lại giá trị kinh tế cao, người dân đã tập trung chăm sóc và mở rộng diện tích trồng. Đến nay, toàn xã có trên 70 ha cây sa nhân tím (trong đó có khoảng 40 ha đã cho thu hoạch) trồng ở 5/5 thôn của xã. Hộ trồng nhiều có từ 2 đến 3 ha, hộ trồng ít từ 1 đến 2 sào.
Theo người dân trồng sa nhân tím tại đây, sa nhân là cây dược liệu dễ trồng, phát triển tốt ở những nơi có bóng râm và độ ẩm cao. Cây thường cho thu hoạch quả vào khoảng tháng 7 âm lịch hằng năm. Quả sau khi thu hoạch thương lái thu mua với giá từ 38 đến 43 nghìn đồng/kg quả tươi, từ 280 đến 300 nghìn đồng/kg quả khô.
Để nhân rộng và phát triển cây sa nhân tím, hằng năm, chính quyền xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức 2 đến 3 lớp tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản sa nhân. Cùng với đó, năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình 135, 113 hộ dân trên địa bàn xã đã được hỗ trợ cây giống sa nhân (tổng trị giá 425 triệu đồng) để trồng mở rộng diện tích.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đào Viên cho biết: Nhận thấy tiềm năng phát triển và hiệu quả kinh tế của cây sa nhân tím, từ năm 2020, cấp ủy, chính quyền xã đã định hướng, tuyên truyền người dân tận dụng diện tích đất dưới tán rừng, dọc khe suối để mở rộng diện tích trồng. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn cho các hộ dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sa nhân. Đồng thời, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định để người dân yên tâm phát triển sản xuất.
Nhờ phát triển cây sa nhân tím, nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định từ 40 đến 60 triệu đồng mỗi năm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của người dân trên địa bàn xã từ 18 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên 23 triệu đồng/người/năm (năm 2020). Tỉ lệ hộ nghèo còn 14,7%, giảm 16,5% so với năm 2015.
Ý kiến ()