Trồng sa nhân: Hướng phát triển kinh tế mới của người dân Tràng Định
(LSO) – Với những ưu điểm như: khả năng chịu hạn tốt, dễ chăm sóc, giá trị kinh tế cao…, cây sa nhân đang từng bước mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân huyện Tràng Định; góp phần bảo vệ, gìn giữ nguồn tài nguyên rừng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hảo, thôn 4 (bản Cảo Vài) là một trong những hộ đầu tiên trồng cây sa nhân ở xã Đào Viên. Từ trồng sa nhân, những năm gần đây, gia đình đã nguồn thu nhập khá. Anh Hảo cho biết: “Qua tìm hiểu cho thấy cây sa nhân dễ trồng, dễ chăm sóc nên năm 2015, tôi đã trồng thử nghiệm 2 sào dưới tán rừng. Đến năm 2018, gia đình tôi thu được khoảng 2 tạ quả, bán với giá 70 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập gần 14 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, tôi đã chủ động nhân giống từ vườn của gia đình. Hiện nay, tôi có khoảng 6 sào sa nhân, cây đang sinh trưởng và phát triển tốt, khoảng 1 năm nữa là được thu hoạch. Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm sa nhân”.
Người dân xã Đào Viên, huyện Tràng Định chăm sóc cây sa nhân
Không chỉ gia đình anh Hảo, hiện nay, xã Đào Viên có 523 hộ thì tất cả các hộ đều trồng cây sa nhân, hộ trồng ít thì có 1 đến 2 sào, hộ trồng nhiều có 7 đến 8 sào. Ông Nông Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Đào Viên cho biết: Sau khi thấy một số hộ trồng thành công và có thu nhập từ cây sa nhân thì các hộ dân trong xã đã đem sa nhân về trồng. Hiện toàn xã có trên 50 ha sa nhân, trong đó, khoảng 10 ha đã cho thu hoạch, bước đầu đem lại thu nhập cho bà con từ 10 đến 20 triệu đồng/hộ. Tận dụng điều kiện tự nhiên ở xã, UBND xã sẽ tiếp tục vận động bà con trồng sa nhân để loại cây này thành cây chủ lực của xã thời gian tới.
Thời gian qua, từ hiệu quả kinh tế của cây sa nhân, người dân một số xã trên địa bàn huyện Tràng Định như: Đào Viên, Tân Minh đã đưa cây sa nhân vào trồng với tổng diện tích gần 70 ha, tuy nhiên, chủ yếu là do người dân trồng tự phát. Để nhân rộng và phát triển cây sa nhân trên địa bàn huyện, trong năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện sẽ hỗ trợ xã Khánh Long và xã Tân Tiến mỗi xã 500 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng cây sa nhân. Ngoài ra, một số xã như: Tân Minh, Kháng Chiến, Quốc Khánh cũng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, nguồn vốn chương trình 135 để trồng cây sa nhân. Theo đó, các hộ được tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón để thực hiện mô hình.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sa nhân là loại cây dược liệu quý, dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít, cho giá trị kinh tế cao mà còn có khả năng chống xói mòn đất, bảo vệ môi trường. Cây sinh trưởng và phát triển tốt ở những nơi có bóng râm và có độ ẩm từ 45 đến 50%. Sau khi trồng từ 3 đến 4 năm thì cây cho thu hoạch. Thời gian thích hợp để trồng cây là từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch hằng năm. Thời gian thu hoạch vào khoảng tháng 7 âm lịch. Đặc biệt, cây sa nhân có đầu ra ổn định, giá bán từ 70 đến 80 nghìn đồng/kg. Do vậy, việc trồng cây sa nhân đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trên địa bàn huyện Tràng Định trong thời gian tới.
Ông Chu Việt Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Sau một thời gian bà con trồng cho thấy, sa nhân thích hợp với điều kiện tự nhiên ở Tràng Định, cây sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền để người dân tận dụng diện tích đất dưới tán rừng, dọc khe suối, có độ ẩm phù hợp trồng cây sa nhân. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các hộ; tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.
Ý kiến ()