Đồng bào dân tộc thiểu số xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm trồng rừng sản xuất.
Trồng rừng bài bản, đồng bộ
Bắc Cạn có địa hình rộng, với diện tích tự nhiên gần 500 nghìn ha, trong đó chỉ có hơn mười nghìn ha đất nông nghiệp, 400 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp. Bắc Cạn kẹp ở giữa hai vòng cung Đông Triều và vòng cung Ngân Sơn cho nên lượng mưa trên địa bàn tỉnh hằng năm khá cao, địa hình chủ yếu là đồi núi thấp, tầng đất tốt là những điều kiện rất thích hợp để phát triển rừng sản xuất, đây chính là tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 xác định trồng rừng sản xuất gắn với phát triển công nghiệp chế biến gỗ là hướng trước mắt và lâu dài để giảm nghèo bền vững cho nhân dân. Nghị quyết ra đời nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, nhân dân hưởng ứng nhiệt tình cho nên chỉ sau một năm đã biến thành thực tiễn sinh động.
Trong điều kiện nguồn lực để trồng rừng gặp nhiều khó khăn, như dự án trồng năm triệu ha rừng của Chính phủ đã kết thúc, ngân sách của tỉnh rất eo hẹp, đời sống nhân dân còn khó khăn, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, cơ chế thanh toán vốn thay đổi, nhưng giai đoạn 2010-2015, tỉnh xác định trồng 60 nghìn ha rừng sản xuất, cao hơn ba lần giai đoạn năm năm trước, là chỉ tiêu đột phá. Khắc phục những khó khăn đó, tỉnh đã lo toàn bộ khâu thiết kế, khuyến lâm, tổ chức mạng lưới vườn ươm rộng khắp ở các địa phương, thậm chí ươm cây giống ngay tại chân lô để cung cấp miễn phí cho nhân dân trồng rừng. Từ năm 2012, tỉnh sẽ cấp tiền công trồng, công chăm sóc rừng để động viên bà con. Cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống trước khi gieo ươm; các địa phương thành lập ban quản lý dự án trồng rừng. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã coi việc trồng rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hằng tháng họp giao ban để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh trồng rừng cho kịp thời vụ, bảo đảm chất lượng. Kết quả, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh trồng được gần 15 nghìn ha rừng sản xuất (chiếm hơn 10% diện tích so với cả nước) và nghề rừng đang định hình trên phạm vi toàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang chuẩn bị các điều kiện để trồng gần 14 nghìn ha rừng sản xuất vào mùa xuân năm 2012.
Trong những ngày vừa qua, đi đến đâu, về bất cứ địa phương nào trong tỉnh, chúng tôi thấy những việc về tổ chức phát triển rừng của các cấp ủy, chính quyền, việc trồng rừng của nông dân là câu chuyện sôi nổi nhất. Đồng bào Dao ở bản Mún xa xôi hẻo lánh thuộc xã Dương Phong, huyện Bạch Thông từ chỗ chưa bao giờ trồng rừng sản xuất thì năm nay đã trồng được hàng chục ha theo đúng quy trình kỹ thuật, tỷ lệ sống gần như tuyệt đối. 40 hộ đồng bào Dao ở bản Khuổi Lừa, xã Phương Linh, huyện Bạch Thông chưa năm nào trồng rừng thì năm nay có 36 hộ trồng được gần 50 ha, gia đình nào cũng vui vì tỷ lệ cây sống đạt hơn 95% và đều được nghiệm thu. Trưởng thôn Khuổi Lừa Bàn Hữu Việt cho biết: “Đồng bào Dao chúng tôi ít ruộng cấy lúa, trong khi đó đất đồi trùng điệp, cho nên xác định trồng rừng là hướng lâu dài để giảm nghèo”. Không chỉ giảm nghèo, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều hộ giàu, vì hằng năm có thu hàng trăm triệu đồng nhờ trồng rừng. Sau một chu kỳ tám năm, một ha rừng sẽ cho khoảng 90 m3 gỗ, trừ chi phí, nông dân sẽ có lãi khoảng 80 triệu đồng. Khai thác xong, lại trồng rừng mới trên diện tích ấy, cứ thế, nông dân có thể sống lâu dài từ rừng.
Nhằm tạo thêm nguồn lực để phát triển rừng, tỉnh ban hành cơ chế tạo thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có năm doanh nghiệp đầu tư trồng rừng. Riêng năm 2011 các doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để trồng hơn một nghìn ha rừng. Công ty cổ phần điện và gỗ Bình Minh bắt đầu trồng rừng sản xuất ở huyện Pác Nặm từ năm 2008. Dự án của công ty này sẽ trồng hơn 11 nghìn ha rừng, với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Mặc dù trồng rừng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông xuống cấp, địa hình hiểm trở, chia cắt, việc đi lại, vận chuyển cây giống gặp nhiều khó khăn, sau ba năm, doanh nghiệp này đã biến gần 500 ha đồi núi trọc thành một mầu xanh bắt mắt của keo lai với vốn đầu tư hơn năm tỷ đồng. Giám đốc Công ty Vũ Quang Minh lý giải: “Chúng tôi thuê nhân công phát dọn thực bì, cuốc hố trồng rừng, tuân thủ quy trình kỹ thuật cho nên cây giống sống gần như tuyệt đối và phát triển nhanh”. Thấy doanh nghiệp mãi dưới thị xã Bắc Cạn còn lên đây thuê đất, thuê nhân công trồng rừng, lại được sự chỉ đạo tích cực của cấp ủy cho nên đồng bào Mông, Dao trên địa bàn huyện tích cực trồng rừng. Trước đây mỗi năm đồng bào Mông, Dao huyện Pác Nặm chỉ trồng vài chục ha rừng, thì năm nay đã trồng được gần 1.500 ha, phong trào trồng rừng ở huyện thuộc diện 30a này sẽ phát triển mạnh trong những năm tới.
Gắn với công nghiệp chế biến gỗ
Hiện nay tỉnh Bắc Cạn đã có hơn 20 nghìn ha rừng sản xuất đang và sắp cho thu hoạch, năm năm tới, mỗi năm tỉnh sẽ trồng hơn mười nghìn ha rừng sản xuất. Trên địa bàn tỉnh đã có một số cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, nhưng chủ yếu vẫn là sơ chế, giá trị gia tăng chưa cao, sản lượng được chế biến chưa nhiều, có thời điểm nông dân một số nơi bị ép giá, khó tiêu thụ. Nhằm giải quyết đầu ra ổn định cho gỗ rừng trồng với giá hợp lý để nhân dân đẩy mạnh phát triển nghề rừng, đồng thời tăng giá trị của gỗ, tăng thu ngân sách cho địa phương, thời gian qua tỉnh chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gỗ. Tháng 9- 2011 Công ty cổ phần Sahabak đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến gỗ MDF có công suất 108 nghìn m3/năm ở huyện Chợ Mới với tổng vốn đầu tư hơn một nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2013. Cuối năm 2010 công ty này đã đưa nhà máy sản xuất gỗ ghép thanh có công suất ba nghìn m3 thành phẩm/năm đi vào hoạt động, tiêu thụ gỗ rừng trồng cho nhân dân. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sahabak Lê Viết Thắng cho biết: “Bắc Cạn có tiềm năng rất lớn để phát triển lâm nghiệp, trồng rừng trong dân phát triển mạnh là điều kiện để chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng hai nhà máy chế biến gỗ tại tỉnh, trong đó nhà máy gỗ MDF có công nghệ hiện đại, công suất gần như lớn nhất nước ta hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu gỗ MDF trong nước đang phải nhập một triệu m3/ năm”. Nhà máy gỗ MDF đi vào hoạt động, mỗi năm sẽ tiêu thụ 180 nghìn m3 gỗ rừng trồng, nộp ngân sách cho tỉnh gần 50 tỷ đồng và công ty này giải quyết việc làm cho gần 500 lao động, chủ yếu là người địa phương. Nhưng quan trọng hơn, nhà máy sẽ tiêu thụ gỗ rừng trồng ổn định, từ đó sẽ có sức lan tỏa, là đầu kéo kinh tế lâm nghiệp, nghề rừng trên địa bàn phát triển bền vững để giảm nghèo cho nhân dân.
Nhu cầu tiêu thụ gỗ trong nước ngày càng lớn, một số doanh nghiệp đang có hướng sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoặc mở rộng quy mô chế biến gỗ. Diện tích rừng trồng mới trên địa bàn ngày càng lớn, nhưng Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn Hoàng Văn Hùng bức xúc: “Đất đai trên địa bàn huyện rộng lớn, nhưng diện tích rừng tự nhiên tuy nghèo kiệt, giá trị rất thấp mà theo quy định thì không được phá đi để trồng rừng mới; nhiều địa bàn không có chức năng phát triển rừng phòng hộ nhưng lại quy hoạch rừng phòng hộ; rừng trồng già cỗi không được phép thanh lý”. Nhân dân ở các địa phương đang lo lắng, trong khi diện tích rừng trồng ngày càng mở rộng, nhưng không biết rồi đây rừng được thu hoạch sẽ vận chuyển đi tiêu thụ bằng cách nào, vì làm một tuyến đường lâm nghiệp hết cả tỷ đồng thì dân không có khả năng, trong khi đó tỉnh chưa tính đến vấn đề này. Tháo gỡ những vướng mắc đó, hiện nay tỉnh đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương rà soát lại quy hoạch ba loại rừng, chỉ rõ đâu là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn để có biện pháp quản lý bảo vệ, diện tích còn lại thì thiết kế trồng rừng sản xuất cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời tỉnh cũng đang kiểm kê toàn bộ diện tích rừng được trồng từ các chương trình trước đây đã già cỗi, cây bắt đầu chết, xây dựng cơ chế thích hợp để thanh lý các loại rừng này nhằm tạo ra những diện tích liền vùng, liền khoảnh để trồng rừng mới tập trung hơn. Bên cạnh đó, tỉnh tích cực tìm giải pháp để giải quyết đường lâm nghiệp cho nhân dân vận chuyển gỗ từ rừng ra các trục giao thông.
Ý kiến ()