Trồng rừng 2015: Về đích trước thời hạn
LSO - Theo dự ước của Chi cục Phát triển Lâm nghiệp, hết năm 2015, toàn tỉnh sẽ trồng mới khoảng 12 nghìn héc ta rừng. Đây là con số trồng rừng cao nhất trong giai đoạn 2011-2015. Nếu đạt được kết quả này thì tổng diện tích rừng trồng mới giai đoạn 2011-2015 là 51.800 ha, vượt tới 6.800 ha so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.
Nhân dân xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn cuốc hố chuẩn bị hiện trường trồng cây
Trồng mới 12 nghìn héc ta rừng là con số dự ước của cả năm 2015. Có nghĩa là con số này chưa phải chắc chắn. Thế nhưng đến đầu tháng 9/2015, con số chắc chắn mà cơ quan chuyên môn tổng hợp được đã là 10.773,3 ha, vượt 13,4% so với kế hoạch năm 2015. Và, nếu chỉ đạt con số này thôi thì diện tích rừng trồng mới trong 5 năm qua cũng đã trên 50.500 ha, vượt 5.500 ha so với mục tiêu về phát triển lâm nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.
Vượt cao nhất đến thời điểm này là trồng cây phân tán. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới trên 11 triệu cây, tương đương với 5.565,1 ha, vượt 85,5% kế hoạch. Trong những năm của giai đoạn 2006-2010, thường nội dung trồng cây phân tán hằng năm chỉ ở mức 3.000 ha, đúng bằng nguồn ngân sách tỉnh cấp. Thế nhưng bước sang giai đoạn này, các huyện đã chú trọng, chủ động bổ sung thêm nguồn ngân sách huyện và đẩy mạnh trồng cây nhân dân.
Nhân dân xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng nhận giống trồng cây phân tán
Bà Hà Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: nhờ nguồn hỗ trợ từ ngân sách huyện và trồng cây nhân dân, đến nay, toàn huyện đã trồng mới được 763,21 ha, vượt 17,42% so với kế hoạch và con số này vẫn tiếp tục tăng cho đến khi kết thúc vụ trồng rừng 2015.
Đối với toàn tỉnh, ngay từ đầu năm, thông qua Tết trồng cây, nhân dân đã trồng mới 263,3 ha; đồng thời từ ngân sách huyện, các huyện, thành phố đã trồng được 1.166,2 ha cây phân tán; nhân dân tự trồng được 1.372,6 ha. Đó chính là điểm nhấn để trồng cây phân tán luôn đạt kết quả cao và góp phần quan trọng vào kết quả trồng rừng hằng năm của tỉnh.
Trồng rừng tập trung khó khăn hơn bởi nguồn vốn ngân sách trung ương cho nội dung này giảm mạnh so với giai đoạn trước. Tính cả trồng rừng hỗ trợ sản xuất và rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nguồn vốn năm 2015 chỉ đáp ứng được khoảng 3.000 ha trong tổng số 6.500 ha theo kế hoạch.
Ông Hoàng Văn Quân, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Lâm nghiệp cho biết: mặc dù nguồn vốn ít đi nhưng điểm thuận lợi là những năm qua sản phẩm gỗ nguyên liệu, nhựa thông có giá, có lúc cung không đủ cầu, sản phẩm khai thác tới đâu tiêu thụ ngay tới đó. Giá trị của lâm nghiệp ngày càng được khẳng định và đó là động lực lớn để thúc đẩy xã hội hóa trồng rừng.
Tính đến hết tháng 8/2015, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã vay vốn ưu đãi, bỏ vốn tự đầu tư trồng mới được 2.549,1 ha rừng sản xuất. Như vậy tính cả nội dung trồng cây phân tán, từ đầu năm đến nay, nhân dân đã tự trồng được trên 3.900 ha rừng. Số diện tích này vẫn chưa dừng lại, bởi thời điểm này nhân dân vẫn đang tiếp tục trồng thông và gỗ nguyên liệu vào các diện tích đã khai thác trước đó. Dự kiến tỷ lệ xã hội hóa trồng rừng trong năm 2015 sẽ lên đến trên 40%, tỷ lệ cao nhất trong giai đoạn này.
Mặt khác, việc giao vốn trồng rừng tập trung cũng có sự linh hoạt hơn. Đến giữa vụ trồng rừng, huyện nào có khả năng không hoàn thành kế hoạch, nguồn vốn sẽ được điều hòa sang huyện khác. Vừa qua, huyện Bắc Sơn không thực hiện được 59 ha rừng sản xuất, nguồn vốn ngân sách ngay sau đó đã được tham mưu điều chuyển cho Tràng Định.
Đến thời điểm này, tổng diện tích rừng tập trung trồng mới là 4.293,5ha, đạt 85,9% kế hoạch. Thế nhưng với phong trào xã hội hóa, trồng rừng đang phát triển mạnh và sự linh hoạt trong điều hòa nguồn vốn, dự kiến kết thúc vụ trồng rừng 2015 nội dung này sẽ đạt, thậm chí vượt kế hoạch đề ra.
Đó là những căn cứ vững chắc để Chi cục Phát triển Lâm nghiệp đưa ra con số trồng mới trên 12.000 ha rừng trong năm 2015. Kết quả này không chỉ góp phần quan trọng trong việc thực hiện vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh mà còn là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phong trào trồng rừng trong giai đoạn 2016-2020.
Bài, ảnh: Vũ Như Phong
Ý kiến ()