Trồng rừng 2011: Lúng túng về vốn và nhân lực
LSO- Vụ trồng rừng năm 2010 đã cơ bản kết thúc với trên 11.500 ha rừng trồng mới, vượt 5,1% kế hoạch. Như vậy, với mọi nỗ lực của nhân dân và ngành chuyên môn, kế hoạch trồng rừng trong cả giai đoạn của tỉnh đã hoàn thành thắng lợi. Tuy nhiên, có rất nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với vụ trồng rừng năm 2011. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đặt ra mục tiêu nâng độ che phủ của rừng đến năm 2015 là 54-55%. Để thực hiện được mục tiêu này, mỗi năm, Lạng Sơn phải trồng mới khoảng 11.000 ha. Trong đó phải tiến hành trồng rừng mới tập trung là 7.500 ha. Khoanh nuôi tái sinh thành rừng 2.000-3.000 ha. Trong đó, theo tính toán hiện nay, nguồn vốn của các doanh nghiệp và hộ gia đình chỉ có thể trồng mới được khoảng 500-1.000ha. Cùng với đó, hàng năm tỉnh cân đối, phân bổ khoảng 3 tỷ đồng cho trồng cây phân tán, số này sẽ tạo điều kiện để trồng mới cho thêm khoảng 3.000 ha. Như vậy số còn lại, khoảng 6.500-7.000 ha cần...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đặt ra mục tiêu nâng độ che phủ của rừng đến năm 2015 là 54-55%. Để thực hiện được mục tiêu này, mỗi năm, Lạng Sơn phải trồng mới khoảng 11.000 ha. Trong đó phải tiến hành trồng rừng mới tập trung là 7.500 ha. Khoanh nuôi tái sinh thành rừng 2.000-3.000 ha. Trong đó, theo tính toán hiện nay, nguồn vốn của các doanh nghiệp và hộ gia đình chỉ có thể trồng mới được khoảng 500-1.000ha. Cùng với đó, hàng năm tỉnh cân đối, phân bổ khoảng 3 tỷ đồng cho trồng cây phân tán, số này sẽ tạo điều kiện để trồng mới cho thêm khoảng 3.000 ha. Như vậy số còn lại, khoảng 6.500-7.000 ha cần thêm nguồn vốn khoảng 37 tỷ đồng, đó là chưa tính đến chi phí quản lý và tiền hỗ trợ của dự án trồng rừng thay thế nương rẫy.
Năm 2010, để hoàn thành kế hoạch trồng rừng, nguồn vốn của Trung ương cấp cho tỉnh gần 32 tỷ đồng. Nhưng đó là khi còn dự án trồng rừng 661. Đến hết năm 2010, dự án trồng rừng 661 sẽ kết thúc, ông Hoàng Mạnh Chức, Chi cục trưởng Chi cục phát triển lâm nghiệp cho biết: Theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nguồn vốn của Trung ương cấp cho tỉnh trong vụ trồng rừng 2011 chỉ vào khoảng 10 tỷ đồng. Theo tính toán, nguồn vốn này mới chỉ xấp xỉ đủ cho quản lý và bảo vệ rừng, công tác bảo vệ, khoanh nuôi và chăm sóc các diện tích rừng đã trồng. Như vậy có nghĩa là trong vụ trồng rừng năm 2011, khoảng 7.000 ha chưa có vốn để thực hiện. Do đặc thù của sản xuất lâm nghiệp, để chuẩn bị cho vụ trồng rừng năm sau, thì ngay từ tháng 9-10 năm trước, công tác gieo tạo cây con phải được tiến hành. Tuy nhiên, nếu như hiện nay thực hiện gieo tạo cây con mà đến năm 2011 không có nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước cho trồng rừng thì toàn bộ số cây con này sẽ không có đầu ra, tổn thất về kinh tế rất lớn. Nhưng nếu không gieo tạo ngay từ bây giờ (thực tế đã chậm một thời gian), thì đến vụ trồng rừng 2011, nếu có nguồn vốn hỗ trợ bổ sung, thì cũng không có cây giống để triển khai trồng rừng. Một bài toán rất khó giải quyết đối với ngành chuyên môn và các chủ vườn ươm, điểm mấu chốt cơ bản vẫn là không biết sẽ có vốn hay không. Thêm một khó khăn nữa là căn cứ vào Quyết định số 1311/QĐ-UBND-KT và Quyết định số 1320/QĐ-UBND-KT của UBND tỉnh ngày 19/9/2006 về việc kiện toàn Ban quản lý dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (661) các huyện, thì khi dự án kết thúc, nghĩa là hết năm 2010, các Ban quản lý sẽ tự giải thể. Nếu như trước đây nhiệm vụ chuẩn bị cây giống và hiện trường cho vụ trồng rừng tiếp theo do các Ban quản lý này đảm nhiệm, thì khi giải thể, nhiệm vụ này chưa có tổ chức nào thay thế. Trong khi đó những khâu công việc của dự án 661 chưa hết. Đó là chưa kể khi các Ban quản lý giải thể, Lạng Sơn sẽ mất một số lượng cán bộ lâm nghiệp có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm triển khai trồng rừng lâu năm.
Có một giải pháp đã và đang được cơ quan chuyên môn tích cực triển khai là đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, khuyến khích nhân dân, doanh nghiệp vay vốn đầu tư trồng rừng theo chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả của tỉnh. Đây là một giải pháp tốt, nhiều ý kiến cho rằng về lâu dài thì đây là giải pháp chủ yếu để xã hội hóa nghề rừng. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, nhân dân và doanh nghiệp chưa thể đủ sức để hoàn thành các chỉ tiêu trồng rừng của năm nếu không có nguồn vốn hỗ trợ. “Đầu xuôi, đuôi lọt”, vụ trồng rừng 2011 có ý nghĩa quan trọng đến việc hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch của cả nhiệm kỳ, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra. Hy vọng rằng với sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao, các cấp, các ngành sẽ sớm có những giải pháp tối ưu nhất cho vụ trồng rừng 2011 và những năm tiếp theo.
Lê Minh
Ý kiến ()