Trồng rừng 2011: Chưa thoát khỏi "sức ì"
LSO - Nếu như mọi năm, thời điểm này là chính vụ trồng rừng. Hơn 2/3 chỉ tiêu trồng mới trong năm sẽ được hoàn thành trong vụ xuân hè. Tuy nhiên, năm 2011 không còn vài chục tỷ đồng từ dự án 5 triệu ha rừng, trồng rừng ở tỉnh ta khởi động một cách chậm chạp và chưa thoát khỏi “sức ì”. Nông dân xã Châu Sơn, huyện Đình Lập chăm sóc rừng trồngMỗi năm chỉ tiêu trồng rừng của huyện Lộc Bình là 1.500 ha, trong đó riêng trồng rừng 661 chiếm 500 ha, còn lại là trồng cây phân tán, dự án trồng cây tập trung của Công ty lâm nghiệp và nhân dân tự trồng. Bước sang năm 2011, dự án 661 kết thúc, đồng nghĩa với việc “bầu sữa” ngân sách dành cho trồng mới 500 ha rừng đã không còn, con số chỉ tiêu trồng mới 1.500ha rừng của Lộc Bình trong năm nay trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Ông Lý Quang Ngọc, Trưởng Phòng NN&PTNT Lộc Bình phân tích: Trong tổng số chỉ tiêu trồng mới 1.500ha rừng trong năm nay thì chỉ có 350 ha trồng cây phân...
LSO – Nếu như mọi năm, thời điểm này là chính vụ trồng rừng. Hơn 2/3 chỉ tiêu trồng mới trong năm sẽ được hoàn thành trong vụ xuân hè. Tuy nhiên, năm 2011 không còn vài chục tỷ đồng từ dự án 5 triệu ha rừng, trồng rừng ở tỉnh ta khởi động một cách chậm chạp và chưa thoát khỏi “sức ì”.
Nông dân xã Châu Sơn, huyện Đình Lập chăm sóc rừng trồng
Mỗi năm chỉ tiêu trồng rừng của huyện Lộc Bình là 1.500 ha, trong đó riêng trồng rừng 661 chiếm 500 ha, còn lại là trồng cây phân tán, dự án trồng cây tập trung của Công ty lâm nghiệp và nhân dân tự trồng. Bước sang năm 2011, dự án 661 kết thúc, đồng nghĩa với việc “bầu sữa” ngân sách dành cho trồng mới 500 ha rừng đã không còn, con số chỉ tiêu trồng mới 1.500ha rừng của Lộc Bình trong năm nay trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Ông Lý Quang Ngọc, Trưởng Phòng NN&PTNT Lộc Bình phân tích: Trong tổng số chỉ tiêu trồng mới 1.500ha rừng trong năm nay thì chỉ có 350 ha trồng cây phân tán là chắc chắn thực hiện được; Công ty lâm nghiệp trồng rừng tập trung được khoảng 100ha; Đoàn kinh tế quốc phòng 338 trồng khoảng 50ha, còn lại là nhân dân tự trồng. Tính toán một cách kỹ lưỡng, năm nay Lộc Bình chắc chắn trồng mới được 700ha rừng, có nghĩa là chưa bằng ½ kế hoạch. Trong thời gian qua, Lộc Bình cũng đẩy mạnh triển khai tuyên truyền cho người dân thực hiện vay vốn trồng rừng theo Quyết định số 39, tháng 12/2007 của UBND tỉnh về hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả giai đoạn 2008-2015, tuy nhiên cho đến nay chỉ có vài hộ ở Thị trấn Na Dương đăng ký với diện tích…chưa đầy 10ha.Chỉ tiêu trồng rừng mới của huyện Hữu Lũng mỗi năm cũng vào khoảng 1.500ha. Trong đó số diện tích rừng 661 không nhiều, do vậy khi dự án này kết thúc, Hữu Lũng cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, trong tổng số chỉ tiêu trồng mới thì nội dung trồng rừng tập trung do các lâm trường trên địa bàn (nay là công ty TNHH một thành viên) chiếm phần lớn, nhưng hiện nay do tranh chấp đất đai giữa nhân dân với lâm trường, nên công tác trồng rừng gặp nhiều khó khăn và vì vậy hoàn thành kế hoạch trồng rừng 2011 là rất khó đối với Hữu Lũng, nếu không muốn nói là “bất khả thi”.
Năm 2011, chỉ tiêu trồng mới của toàn tỉnh là 8.000 ha rừng. Tuy nhiên, dự án 661 kết thúc, vốn từ ngân sách Trung ương cho trồng rừng không còn, như vậy có nghĩa là chỉ có 3.000ha trồng cây phân tán do nguồn vốn ngân sách của tỉnh bỏ ra là chắc chắn hoàn thành. Còn lại chưa có nguồn lực nào đảm bảo thực hiện. Một số địa phương trong tỉnh đã chủ động dùng ngân sách huyện để tăng cường cho nội dung trồng cây phân tán như Chi Lăng 250ha; Cao Lộc 400 ha; Tràng Định 200ha…Trong điều kiện khó khăn, thì những con số trên rất đáng quý, nhưng thực chất đây chỉ là giải pháp tình thế. Về bản chất, trồng rừng vẫn phần lớn phải trông chờ vào ngân sách nhà nước, tỷ lệ xã hội hóa rất thấp. Vừa qua UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác trồng rừng, trong đó trọng tâm là chỉ đạo vận động, tuyên truyền nhân dân sử dụng các nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo chính sách của tỉnh và Trung ương để trồng rừng. Nhưng thực tế, cho đến thời điểm này số gia đình đăng ký vay vốn là rất ít, theo Chi cục Phát triển lâm nghiệp, chưa có một dự án vay vốn nào cho trồng rừng trong năm nay, tính cho đến thời điểm này.
Trong khi đó, thời tiết khắc nghiệt đầu năm đã làm chết 5 triệu cây giống lâm nghiệp, chính vì vậy thời điểm này chỉ còn 3,5 triệu cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn, bằng 21% kế hoạch. Số còn lại sẽ phải tập trung cho vụ thu. Khó khăn là rất lớn, nhưng nếu thực hiện thành công, vụ trồng rừng 2011 sẽ mở ra một giai đoạn mới cho nghề rừng Lạng Sơn với tỷ lệ xã hội hóa cao, ngân sách chi cho trồng rừng chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp và đây mới chính là hướng đi bền vững mà lâm nghiệp Lạng Sơn hướng tới. Muốn làm được điều đó, trước tiên phải thoát khỏi “sức ì”, điều này không thể tuyên truyền suông mà phải thể hiện bằng hành động, vận động hướng dẫn người dân tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi cho trồng rừng một cách quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()