Trồng rau VietGap: Nâng cao thu nhập cho nông dân
LSO-Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là những mô hình sản xuất rau, ớt theo tiêu chuẩn VietGap.
LSO-Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là những mô hình sản xuất rau, ớt theo tiêu chuẩn VietGap. Sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn VietGap đã mang lại thu nhập cao cho người nông dân xứ Lạng.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng Trồng trọt – Sở NN&PTNT Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, sau một thời gian thực hiện thí điểm ở một số địa phương, với những thành quả đạt được, hiện nay nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất không chủ động được nước sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn. Trong đó, rất nhiều bà con chuyển sang trồng rau an toàn và ớt sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Những loại cây trồng này không những phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương mà còn đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Trồng khoai tây theo phương pháp khí canh |
Hiện nay nhiều địa phương đã xây dựng được vùng sản xuất rau an toàn như: xã Quảng Lạc, Mai Pha (TP Lạng Sơn), xã Tân Liên, Gia Cát (Cao Lộc) và một số xã ở huyện Văn Quan. Sau thời gian trồng thử nghiệm, đến nay, các địa phương này đã hoàn thiện quy trình sản xuất rau an toàn, từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc và cả quy trình kép kín về công tác kiểm tra. Các loại rau an toàn càng ngày càng phong phú hơn về chủng loại, “mùa nào rau nấy”, từ cải bắp, đậu cô-ve, cà chua, su hào, cải ngồng và rau sống các loại… Trưởng phòng Trồng trọt – Sở NN&PTNT cho biết rằng, mấy năm gần đây bà con nông dân đã được trang bị nhiều kiến thức về sản xuất rau an toàn. Bà con nông dân tập trung sản xuất một số loại rau đặc sản của Lạng Sơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhiều mô hình rau an toàn của bà con mang lại thu nhập cao, từ 150 – 200 triệu đồng/ha, đấy là chưa nói đến còn có mô hình đạt 250 – 300 triệu đồng/ha. Cụ thể nhất phải kể đến mô hình trồng rau an toàn của bà con nông dân thôn Nà Chuông, xã Mai Pha, bà con nơi đây dành riêng gần 10ha chỉ để chuyên trồng rau an toàn, mỗi ha bà con thu được trung bình 20 tấn rau. Với thương hiệu tạo dựng được sau nhiều năm trồng rau an toàn, giá rau của bà con không dưới 15.000 đồng/kg rau các loại, thu nhập hiện không dưới 200 triệu đồng/ha. Ngoài rau an toàn, thời gian vừa qua, bà con nông dân ở Lộc Bình đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng ớt sạch theo tiêu chuẩn VietGap, đợt thu hoạt vào trung tuần tháng 6 vừa qua đã mang lại “lợi nhuận kép” – vừa được mùa, vừa được giá cho các hộ trồng ớt nơi đây. Giá ớt tươi sạch tiêu chuẩn VietGap vào thời điểm tháng 6 được thu mua tại ruộng từ 18 – 20.000 đồng/kg, cao hơn 5 – 7 nghìn đồng so với loại ớt trồng theo cách truyền thống. Anh Hoàng Thanh Tùng, ở thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh cho biết, năm nay gia đình trồng 3 sào ớt chỉ thiên, do áp dụng đúng kỹ thuật, quy trình sản xuất theo tiêu chẩn VietGap nên sản lượng năm nay đạt 100 kg/3 sào. Do ớt sạch, mẫu mã đẹp nên tư thương thu mua đổ đều cũng được 18.000 đồng/kg. Như vậy, trừ chi phí, vụ ớt này cũng cho gia đình thu được hơn 30 triệu đồng. Không riêng gì gia đình anh Tùng, hàng trăm hộ ở huyện Lộc Bình và huyện Chi Lăng năm nay cũng thu lãi lớn từ trồng ớt sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Sau 2 năm trồng thử nghiệm mô hình ớt sạch, từ chỗ chỉ có một số hộ lác đác trồng, đến nay, toàn huyện Lộc Bình diện tích ớt đã tăng lên 50 ha, tập trung ở các xã Đồng Bục, Xuân Lễ, Xuân Mãn, Bằng Khánh. Huyện Chi Lăng cũng vậy, theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện diện tích trồng ớt của huyện là 100 ha, tập trung ở xã Bắc Thủy, Mai Sao, Quan Sơn, Quang Lang… Theo báo cáo nhanh của phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT, bà con nhiều vùng trên địa bàn tỉnh trồng ớt sạch xuất khẩu hiện đạt năng suất rất cao, từ 4 – 5 tạ/sào, giá bán hiện tại là 15 – 20 nghìn đồng/kg. Như vậy, mỗi sào ớt sạch cho thu nhập từ 6 – 8 triệu đồng. Bà Hồng khẳng định: “Vụ ớt vừa qua, nông dân Lạng Sơn đã được mùa kép, vừa được mùa lại được giá…”.
Chăm sóc cà chua bi giống mới ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng |
Với hiệu quả như hiện nay, theo định hướng phát triển nông nghiệp, tỉnh Lạng Sơn sẽ mở rộng vành đai trồng rau an toàn và sản xuất nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Khi được quy hoạch thành vùng chuyên canh, người trồng rau sẽ nhận được nhiều sự hướng dẫn, hỗ trợ hơn từ các cấp các ngành của tỉnh, từ đó hiệu quả mang lại có thể sẽ còn cao hơn hiện nay. Việc xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn, nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGap không chỉ đem lại lợi nhuận cao đối với người sản xuất mà còn giúp người dân làm quen với kỹ thuật sản xuất hiện đại, giảm đáng kể công lao động, giảm chi phí vật tư (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón), giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện sức khỏe cho người sản xuất… Cũng từ các mô hình này, đã tác động sâu sắc đến việc thay đổi tập quán canh tác, góp phần để bà con quen dần sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()