Trồng rau Nhật xuất khẩu sang Nhật
Những năm gần đây, Bắc Kạn tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo phương châm chuyển đất trồng lúa, ngô sang trồng cây có giá trị cao. Năm 2020, tỉnh chấp thuận cho mở rộng diện tích trồng cây cải Nhật Bản đã tạo ra hướng đi mới, đưa sản phẩm xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao.
Vũ Muộn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bạch Thông. Nơi đây, đất ruộng vốn đã ít lại thiếu nước nên hiệu quả kinh tế mang lại từ trồng lúa rất thấp. Vào vụ đông, đất bỏ hoang cho cỏ mọc. Tuy nhiên, vụ đông vừa rồi đã chứng kiến một mầu xanh bạt ngàn của cây cải Nhật trên đồng đất nơi đây. Lá cải xanh ngút mắt, bẹ cải to, mập mạp, có những gốc cải nặng tới gần 3kg là điều xưa nay chưa từng thấy đối với người dân.
Mô hình trồng cây cải Nhật Bản trên đồng đất Bắc Kạn ra đời dựa trên quyết tâm cao của tỉnh về thực hiện mô hình chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Đây là mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị “ba nhà” (nhà nước, doanh nghiệp và nông dân), trong đó, nhà nước hỗ trợ 70% giống, vật tư, doanh nghiệp hỗ trợ khoa học kỹ thuật, ký hợp đồng thu mua, người dân bỏ công trồng và chăm sóc.
Giống rau cải này có nguồn gốc từ Nhật Bản được Công ty TNHH Việt Nam Misaki hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng, thu hoạch và thu mua để chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản.
Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Misaki Hoàng Thị Lập cho biết, trước khi lựa chọn Vũ Muộn để thực hiện dự án trồng cây cải Nhật Bản theo chuỗi giá trị, công ty đã đưa chuyên gia Nhật Bản lên khảo sát, lấy mẫu đất kiểm tra, phân tích, đánh giá. Kết quả cho thấy, thổ nhưỡng, khí hậu tại đây phù hợp cây cải Nhật Bản. Toàn bộ sản phẩm thu mua được đưa về chế biến tập trung tại nhà máy của công ty tại Khu công nghiệp Thanh Bình, sau đó xuất khẩu sang Nhật Bản.
Chúng tôi về xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông, chứng kiến người dân thu hoạch cây cải Nhật trên ruộng. Chị Đinh Thị Ngữ, thôn Nà Kén, phấn khởi cho biết, thời gian sinh trưởng của loại rau này chỉ khoảng 2,5 tháng, tuy nhiên một gốc rau có thể nặng khoảng 2,5kg, sau khi trừ chi phí, lãi vài chục triệu đồng.
Theo tính toán dựa trên thực tế canh tác, cây cải Nhật Bản rất phù hợp đồng đất, khí hậu lạnh tại Vũ Muộn. Năng suất lên tới khoảng 50 tạ/ha, cho thu nhập trung bình 100 triệu đồng/ha trong thời gian ngắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so trồng lúa.
Từ chỗ chỉ vài hộ trồng, đến nay, người dân xã Vũ Muộn đã mở rộng lên vài chục ha. Thực hiện trồng cây cải Nhật theo chuỗi giá trị, người dân được hỗ trợ từ cây trồng đến phân bón. Kỹ thuật trồng, chăm sóc giống cây này cũng đơn giản, dễ làm, đặc biệt đầu ra đã có Công ty TNHH Việt Nam Misaki, trực tiếp thu mua ngay tại chân ruộng, người dân không mất thêm chi phí vận chuyển nào.
Tại Bắc Kạn, có nhiều xã có thổ nhưỡng, khí hậu tương tự như Vũ Muộn, vì vậy, năm 2020, Công ty TNHH Việt Nam Misaki đã mở rộng diện tích trồng cây cải Nhật lên gần 15ha ở Bạch Thông và Chợ Đồn. Riêng vụ đông vừa qua, công ty đã thu mua khoảng 700 tấn với giá trị hơn một tỷ đồng. Nhiều hộ dân đã lần đầu tiên đón một cái Tết đủ đầy, vui nhất nhờ trồng liên kết cây cải Nhật Bản với công ty.
Giám đốc công ty Hoàng Thị Lập cho biết thêm, người dân Nhật Bản cực kỳ ưa chuộng giống cải này, được chế biến theo cách muối dưa, họ sử dụng thường xuyên trong các bữa ăn, do vậy tiềm năng thị trường xuất khẩu là rất lớn. Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng diện tích trồng cải Nhật Bản và thêm cả cây kiệu trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, Bắc Kạn đang nỗ lực thực hiện chủ trương sản xuất hàng hóa có trọng tâm, trọng điểm gắn thị trường cụ thể. Sau thành công từ hai giống lúa Japonica có nguồn gốc từ Nhật Bản thì thành công từ cây cải Nhật Bản cho thấy đây là hướng đi đúng đắn. Tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện, thực hiện liên kết bốn nhà để mở rộng diện tích trồng cây cải Nhật Bản và các loại cây có giá trị khác phục vụ chế biến để xuất khẩu trong những năm tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()