LSO-Dự án trồng rau an toàn trên địa bàn xã Tân Liên, huyện Cao Lộc mới được tiến hành trong năm nay nhưng bước đầu đã có những chuyển biến rất tích cực. Đây là dự án do VECO Việt Nam phối hợp với Chi cục bảo vệ thực vật Lạng Sơn thực hiện. Dự án này hiện đang được bà con nông dân xã Tân Liên nhiệt tình ủng hộ bởi nó sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.Khu vực các xã Tân Liên, Gia Cát huyện Cao Lộc từ lâu đã được coi là vựa rau cung cấp chính cho thành phố. Rau trồng ở địa phương này phát triển vì được thiên nhiên ưu đãi với những cánh đồng đất cát pha màu mỡ, lại có nguồn nước sạch ổn định, rất thích hợp với việc trồng các loại rau xanh và cây hoa màu. Nhờ lợi thế đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân tích cực trồng các loại rau xanh cung cấp cho thị trường từ nhiều năm nay. Toàn xã hiện nay có 24 ha diện tích trồng rau xanh, trong đó có 1 ha là rau an...
LSO-Dự án trồng rau an toàn trên địa bàn xã Tân Liên, huyện Cao Lộc mới được tiến hành trong năm nay nhưng bước đầu đã có những chuyển biến rất tích cực. Đây là dự án do VECO Việt Nam phối hợp với Chi cục bảo vệ thực vật Lạng Sơn thực hiện. Dự án này hiện đang được bà con nông dân xã Tân Liên nhiệt tình ủng hộ bởi nó sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Khu vực các xã Tân Liên, Gia Cát huyện Cao Lộc từ lâu đã được coi là vựa rau cung cấp chính cho thành phố. Rau trồng ở địa phương này phát triển vì được thiên nhiên ưu đãi với những cánh đồng đất cát pha màu mỡ, lại có nguồn nước sạch ổn định, rất thích hợp với việc trồng các loại rau xanh và cây hoa màu. Nhờ lợi thế đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân tích cực trồng các loại rau xanh cung cấp cho thị trường từ nhiều năm nay. Toàn xã hiện nay có 24 ha diện tích trồng rau xanh, trong đó có 1 ha là rau an toàn, chủ yếu là su hào được trồng thí điểm trong vụ này. Gia đình chị Chu Thị Ban, thôn Khòn Nằn trồng 3 sào su hào thuộc dự án rau an toàn. Ngày nào, chị cũng ra thăm đồng 2 đến 3 lần để tưới nước, kiểm tra tình hình sâu bệnh để kịp thời có biện pháp khắc phục. Chị Ban cho biết, chăm sóc rau an toàn này có vất vả hơn một chút nhưng cây su hào phát triển tốt, củ to đều, chất lượng tốt nên bán được giá hơn. Thời điểm này, diện tích su hào trồng sớm của gia đình chị Ban đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo chị tính, trung bình mỗi sào thu được từ 4 đến 5 tạ su hào, với giá như hiện nay từ 10 đến 15 nghìn đồng/1kg thì từ 3 sào này, gia đình chị sẽ có thu nhập gần 20 triệu đồng, được giá hơn từ 4 đến 5 lần so với trồng lúa.
|
Nhận thấy dự án trồng rau an toàn này có nhiều khả thi, nhiều bà con trong xã cũng đăng ký tham gia dự án, học tập kỹ thuật chăm sóc rau an toàn về áp dụng tại gia đình. Hiện nay đã có gần 30 hộ tham gia mô hình sản xuất rau an toàn với khoảng 1ha, chủ yếu là su hào. Dự án này được triển khai ở 4 thôn của xã Tân Liên là: Khòn Nằn, Pò Trầu, Nà Pinh và Nà Kháu. Dự án mới được tiến hành từ đầu tháng 9 nhưng đến nay, những diện tích su hào trồng sớm của bà con đã bắt đầu cho thu hoạch. Bà con cho biết, thời điểm này đang là vụ thu hoạch sớm nên cây su hào bán được giá hơn, trung bình một sào sẽ cho thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, làm đúng vụ thì một năm có thể làm 2, thậm chí 3 vụ. Từ hiệu quả thực tế của dự án, cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể của địa phương rất chú trọng vận động bà con tích cực hưởng ứng, tham gia dự án, đem lại thu nhập cao và ổn định cho các hộ gia đình.
Dự án trồng rau an toàn ở xã Tân Liên, huyện Cao Lộc là rất thiết thực, mang tính khả thi cao vì điều kiện tự nhiên của xã rất thích hợp với việc sản xuất các loại rau xanh. Thêm vào đó, từ khi mới triển khai dự án, bà con nhân dân lại nhiệt tình ủng hộ, tham gia dự án một cách nghiêm túc, vừa tạo ra những sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng, vừa đem lại thu nhập cao cho gia đình. Ngành chức năng của huyện cũng thường xuyên bám sát dự án, kết hợp chặt chẽ với bà con theo dõi tình hình tiến triển của dự án để không những tiếp tục nhân rộng dự án ra địa bàn toàn xã, mà còn tiến hành ở các địa phương khác có điều kiện thích hợp. Đặc biệt, ngành chức năng của huyện và cấp uỷ, chính quyền địa phương đang có kế hoạch xin ý kiến các cấp có thẩm quyền xây dựng thương hiệu rau an toàn cho địa phương, nhằm tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm, đồng thời tạo việc làm và tâm lý ổn định cho bà con yên tâm sản xuất. Ông Vi Văn Pâu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Liên, huyện Cao Lộc cho rằng: bà con nông dân xã Tân Liên đang hướng đến cách làm là phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, rau an toàn hiện là một sản phẩm nông sản đang được Nhà nước khuyến khích sản xuất. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển mạnh và rộng khắp thì ngành chức năng cần tiếp tục định hướng về thị trường cho bà con.
Ý kiến của đồng chí Chủ tịch HND xã Tân Liên là hoàn toàn hợp lý, để mô hình trồng rau này không lụi dần như một số dự án trồng rau an toàn trước đó, ngành Bảo vệ thực vật, nông nghiệp, công thương… nên đặc biệt quan tâm nhu cầu của thị trường để từng bước định hướng một cách cụ thể cho bà con nông dân trồng rau ở Tân Liên. Hy vọng dự án trồng rau an toàn này sẽ giúp bà con phát triển kinh tế một cách bền vững.
Trí Dũng
Ý kiến ()