“Trồng người” trên đảo Trường Sa
– “Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã mơ được đến Trường Sa, khi ra trường, ước mơ ấy càng cháy bỏng. Được sống, được làm việc, được cống hiến ở Trường Sa là vinh dự lớn lao đối với mỗi người…”- Đó là những chia sẻ của thầy giáo Bành Hữu Tình, người thầy đặc biệt trong một lớp học cũng rất đặc biệt ở đảo Trường Sa Lớn.
Học sinh lớp mẫu giáo lớn, Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa trong giờ học
Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa khá rộng rãi, khang trang được bao phủ bởi màu xanh của cây phong ba, bàng quả vuông. Trường chỉ có một lớp học và lớp học này đặc biệt ở chỗ, học sinh không đông nhưng lại học rất nhiều trình độ khác nhau, từ mẫu giáo lớn, mẫu giáo bé và từ lớp 1 đến lớp 4; mỗi trình độ có dăm em học và lớp học cũng chỉ có một mình thầy Tình giảng dạy.
Ấy thế mà lớp học không hề lộn xộn, khi lo cho các em mẫu giáo bé ổn định ở góc vui chơi, thầy lại thoăn thoắt ổn định các em mẫu giáo lớn ở góc học tập, rồi hướng dẫn học trò lớp 1, xem lại bài của học sinh lớp 2, bắt đầu bài mới cho học sinh lớp 3…Cứ vậy, “khởi động” mỗi buổi học hằng ngày như vậy cũng mất hơn 1 tiếng đồng hồ.
Chứng kiến lớp học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn Hoàng Quốc Tuấn (thành viên đoàn công tác Trường Sa của tỉnh) thán phục: Dạy hai trình độ một cấp học đã khó khăn, đằng này dạy nhiều trình độ với hai cấp học thế này thì quả thực rất vất vả và phải có năng lực chuyên môn, sức khỏe tốt, lòng kiên trì, sự quyết tâm thì mới làm được.
Tiếp chúng tôi khi lưng áo đã đẫm mồ hôi, thầy Tình bộc bạch: Tôi sinh năm 1983, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang (Khánh Hòa), tôi có 3 năm dạy học ở một huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, sau đó về dạy học ở quê nhà là huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Hơn 13 năm giảng dạy trong đất liền, tôi vẫn khao khát được đến với Trường Sa, mang những kiến thức của mình góp phần vào sự nghiệp “trồng người” nơi đầu sóng, ngọn gió.
Năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa thông báo tuyển giáo viên tiểu học ra dạy học ở Trường Sa, trong hàng trăm đơn tình nguyện xin đi, bức tâm thư của thầy Tình được hội đồng xét duyệt rất chú ý. Thầy Tình chia sẻ: Tôi tự hào về những chiến công hiển hách, lịch sử oai hùng của cha ông và cũng rất cảm phục, xúc động về những cống hiến, hy sinh mất mát của thế hệ đi trước để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đó là lý do mà tôi luôn ước mơ được ra đảo, được làm việc, cống hiến nơi tiền tiêu… Những điều ấy tôi viết trong đơn như giãi bày cả gan ruột của mình. Thế rồi tháng 6/20218, tôi được xét duyệt.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi chốc chốc lại bị cắt ngang bởi có em lớp lớn hỏi bài, em lớp mẫu giáo bé mếu máo: “thầy ơi con khát nước”… Mỗi lần như vậy, thầy lại tất tả giải quyết, không một cái nhíu mày, không một lời to tiếng, thầy ân cần như một người cha của bọn trẻ trong lớp học đặc biệt này.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hà, một cư dân của đảo Trường Sa Lớn cho biết: Tôi có hai con trai, anh năm nay 7 tuổi, còn em chưa tròn 2 tuổi, tất cả đều là học sinh của thầy Tình. Thầy quan tâm, dạy dỗ, chăm sóc bọn trẻ tận tình lắm, những sáng tạo của thầy như: phân ra các góc học tập phù hợp với từng lứa tuổi, góc học môn tự nhiên, góc học môn xã hội… khiến bọn trẻ rất hứng thú học và tiến bộ rất nhanh.
Không chỉ chị Mỹ Hà, phụ huynh học sinh trên đảo ai cũng quý thầy, họ cảm phục không phải chỉ bởi thầy luôn quan tâm thương yêu con em họ mà còn bởi họ hiểu công tác và làm việc ở đây, thầy Tình phải hy sinh rất nhiều. Đó là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, đặc biệt là cô con gái của thầy năm nay đã lên lớp 6.
Thầy giáo Bành Hữu Tình ổn định học sinh đầu giờ học
Thầy Tình tâm sự: Gia đình rất hiểu và luôn động viên, ủng hộ, vì vậy tôi luôn vững tâm công tác. Mỗi năm tôi được nghỉ khoảng một tháng vào dịp hè, đây là dịp để bù đắp cho cô con gái những ngay vắng cha, nó bây giờ cũng lớn lắm rồi và luôn tự hào về những việc cha đang làm.
Trời ngả về chiều, khi cái nóng bỏng rát da người ở Trường Sa dịu xuống cũng là lúc lớp học đặc biệt nơi đây hết giờ học. Tan lớp nhưng cứ như một thói quen, bọn trẻ chưa về ngay mà nán lại sân trường, nô đùa dưới những tán cây phong ba. Hết giờ, nhưng thầy Tình vẫn chưa được nghỉ, phải đến khi tối mịt, học sinh ai về nhà nấy thầy mới kết thúc một ngày làm việc.
Ngoài cầu cảng của Trường Sa Lớn, tiếng còi tàu giục giã, đã đến lúc chúng tôi phải chia tay đảo. Trong căn phòng công vụ của Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa hắt ra ánh sáng dìu dịu, thầy Tình ngồi ngay gần cửa sổ vẫn đang miệt mài bên những trang giáo án, chuẩn bị kỹ càng cho buổi học sớm mai. Tất cả những tâm huyết ấy, cống hiến ấy đều vì “Sự nghiệp trăm năm” nơi đầu sóng, ngọn gió này…
Ý kiến ()