Trồng na trái vụ: Cần khoa học giúp sức
LSO-Theo lệ, cứ đến trung tuần tháng 8 là vào mùa “quả ngọt” ở Chi Lăng. “Quả ngọt” của bà con nông dân huyện Chi Lăng chính là quả đặc sản na dai.
LSO-Theo lệ, cứ đến trung tuần tháng 8 là vào mùa “quả ngọt” ở Chi Lăng. “Quả ngọt” của bà con nông dân huyện Chi Lăng chính là quả đặc sản na dai. Thời gian qua, để cạnh tranh về giá, một số hộ trồng na ở Chi Lăng tự tìm hiểu, học cách thụ phấm sớm cho na với mục đích được thu hoạch na sớm hơn. Tuy nhiên, do mới làm, chưa có kinh nghiệm, đặc biệt là làm chưa đúng kỹ thuật nên thành công ít, thất bại nhiều.
Na Chi Lăng đã có thương hiệu và thường được đóng hộp xuất khẩu |
Câu chuyện thất bại gần đây nhất tại 2 xã Quang Lang, Chi Lăng…, do bà con áp dụng chưa đúng kỹ thuật kích thích cây na tăng trưởng sớm, không đúng thời điểm nên hơn 500ha na của bà con không đậu hoa. Mặc dù bà con đã áp dụng phương pháp tuốt lá để na ra hoa đợt hai và tiến hành thụ phấn lại. Tuy nhiên, biện pháp này khiến chất lượng và mẫu mã quả na sau này khi không được như ý.
Mang câu chuyện này đến Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ tỉnh, chúng tôi nhận ngay được câu trả lời của các kỹ sư tại trung tâm: Việc bà con hướng đến việc sản xuất na trái vụ là đi đúng xu thế của thị trường hiện nay, đồng thời, nếu làm đúng cách thì việc kích cho na đậu quả trái vụ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn hạn chế sự xâm hại của các loại sâu bệnh.
Na là cây ăn quả đặc sản, có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, khách du lịch ưa thích. Theo số liệu của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chi Lăng, na được trồng nhiều tại các xã Chi Lăng, Quang Lang, Mai Sao, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ… trên các chân núi hoặc sườn núi đá vôi, các sườn đồi…, diện tích trồng gần 1.500 ha, sản lượng quả hàng năm khoảng 15.000 tấn, tổng giá trị thu được sau mỗi vụ na vào khoảng hơn 100 tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập và làm giàu cho người trồng na nơi đây.
Là cây ăn quả trọng điểm của huyện Chi Lăng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, vì vậy trong 10 năm trở lại đây đã có nhiều đề tài, dự án triển khai trên địa bàn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm na của huyện. Các kết quả nghiên cứu được áp dụng nhiều như: kỹ thuật canh tác trên đất dốc; kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán; kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại nguy hiểm… Thực tế, sau khi áp dụng những kỹ thuật trên, na dai Chi Lăng đã cho năng suất, chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng, hiệu quả về kinh tế của loại quả đặc sản mang thương hiệu na dai Chi Lăng thì ngành khoa học cần phải tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng những khoa học, kỹ thuật mới hơn nữa cho cây na dai.
Bà Lâm Mai Tùng, kỹ sư của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN Lạng Sơn cho biết, thời vụ thu hoạch na ngắn, kéo dài trong khoảng 1 tháng, với diện tích gần 1.500 ha, sản lượng khoảng 15.000 tấn quả, dẫn đến áp lực về công lao động thu hái, vận chuyển từ trên núi xuống, đặc biệt với các diện tích không thể lắp ròng rọc thì việc hái, vận chuyển sẽ rất vất vả. Thêm vào đó thời gian quả na từ mở mắt đến chín khá nhanh, nếu tiêu thụ chậm, sản phẩm có thể giảm chất lượng, thậm chí thối hỏng. Ngoài ra, người trồng na còn bị một áp lực cũng rất lớn đến từ tư thương – những người khống chế giá mua bán trên thị trường. Các tư thương thường “tận dụng” những khó khăn nêu trên để ép giá, việc này làm ảnh hưởng thu nhập của người sản xuất. Hiện Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN đã nắm bắt được khó khăn của bà con trồng na, nên đơn vị đã xây dựng và đề xuất đề án nghiên cứu, ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình sản xuất na trái vụ, chất lượng và hiệu quả tại huyện Chi Lăng, (nhiệm vụ năm 2014). Theo đó, đề tài này chính là nhằm giúp người dân tháo gỡ các khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ thông qua những kế hoạch cụ thể như: hướng dẫn bà con trồng na theo quy trình VietGAP; rải vụ thu hoạch na; tăng cường công tác bảo quản và chế biến na. Trong đó, rải vụ thu hoạch cho na là biện pháp sản xuất na trái vụ, tạo ra sản phẩm na quả mà thời điểm đó trên địa bàn không có, nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng. Sản phẩm na trái vụ được sản xuất theo quy trình kỹ thuật chuyên biệt nên không chỉ đảm bảo về chất lượng mà còn giữ được năng suất cây trồng. Hiệu quả kinh tế cao, do sản phẩm trái vụ bán được giá. Giảm tải được áp lực về công lao động thu hái, vận chuyển và tiêu thụ, hạn chế tối đa sự ép giá của các thương nhân.
Trong nhiều năm trở lại đây, người dân vùng na đã sử dụng biện thụ phấn hoa nhân tạo, việc làm này phần nào đã giúp na chín đúng thời điểm. Tuy vậy, với đề tài “Ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình sản xuất na trái vụ” của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, người trồng na đã có chỗ dựa vững chắc để mạnh dạn hơn trong việc nâng quả na dai Chi Lăng lên một tầm cao mới hơn. Không những vậy, để quả na đặc sản của Chi Lăng có thể được bày bán, tiêu thụ tại các siêu thị lớn ở trong nước, hoặc cao hơn là xuất khẩu thì điều bắt buộc là na dai Chi Lăng phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn (VietGAP). Và được sự hướng dẫn, giúp sức của nhà khoa học, hiệu quả kinh tế thu được từ việc trồng na trái vụ sẽ cao hơn 20-30% so với na chính vụ, sản phẩm thu hoạch có chất lượng quả đảm bảo, mẫu mã đẹp, không có sâu bệnh.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()