tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””> amesmall” src=”http://nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/2057/d62ea68a8d09a6b041fb6b1b981ce05b_L.jpg” border=”0″ alt=”Ruộng bỏ hoang, nông dân Lệ Thủy rỗi việc dùng bộ kích điện… kiếm cá” /> – Do giá lúa thương phẩm tại Quảng Bình xuống thấp, trong khi chi phí sản xuất cao, người trồng lúa tại Quảng Bình không có lãi nên ở nhiều nơi ruộng “bờ xôi ruộng mật” bị bỏ hoang hoặc cho thuê để nuôi vịt.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Phan Văn Khoa cho biết, dù chưa có báo cáo chính thức từ các địa phương song diện tích đất lúa hè thu toàn tỉnh bị bỏ hoang khoảng 100ha.
Đáng nói là không chỉ ở các vùng đất thiếu nước sản xuất nên người dân đành bỏ hoang mà ngay cả những cách đồng “bờ xôi ruộng mật” vốn là ruộng hai vụ lúa cũng bị bỏ hoang.
HTX Thống Nhất là đơn vị luôn dẫn đầu về năng suất lúa đông xuân của huyện Quảng Ninh nhưng vụ hè thu này xã viên bỏ hoang 40ha trong tổng số hơn 200ha đất lúa toàn HTX.
Chủ nhiệm HTX Nguyễn Duy Viên lắc đầu ngao ngán, ruộng tốt thế này mà bỏ hoang uổng lắm chứ, vận động nhiều mà xã viên không làm vì sợ lỗ.
Hiện trên thị trường giá lúa thấp (4.000- 4.200 đồng/kg), thậm chí rất ít người mua. Nếu mỗi sào ruộng được mùa (năng suất 250kg, tức là 5 tấn/ha), sau khi trừ các khoản chi phí thì chỉ có 50 ngàn đồng/sào.
Trong khi đó các vật tư phục vụ sản xuất quá cao, trồng lúa lỗ nên người dân chuyển sang làm lúa tái sinh (để nguyên gốc rạ, bón một ít phân rồi chờ thu hoạch lần thứ hai- PV) hoặc bỏ hoang.
Tại huyện Lệ Thủy, diện tích ruộng bỏ hoang trong vụ hè thu này tập trung ở các xã Sơn Thủy, Phú Thủy, Mai Thủy.
Bí thư chi bộ thôn 6 xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch Phan Văn Hưng cho biết, gần 25ha ruộng lúa hai vụ bỏ hoang do thiếu nước và sản xuất không có lãi.
Cánh đồng màu mỡ vốn là ruộng lúa hai vụ nằm ven quốc lộ 1A của xã Đại Trạch cũng chỉ được gieo trồng hai phần, phần còn lại bỏ hoang. Theo lãnh đạo xã này, diện tích ruộng bỏ hoang toàn xã là 60ha.
Bên cạnh nguyên nhân sản xuất không có lãi làm nông dân Quảng Bình nản, dẫn tới bỏ ruộng hoang, còn một nguyên nhân khác là nạn chuột hoành hành dữ dội trong vụ hè thu.
Tại nhiều địa phương ở tỉnh này, người dân làm lúa tái sinh nên chỉ sau khoảng một tháng là gặt, còn làm lúa hè thu phải đến đầu tháng 9 mới thu hoạch.
Không còn lúa tái sinh để ăn, chuột chuyển sang cắn phá lúa hè thu. Nông dân lao tâm khổ tứ diệt trừ chuột nhưng rốt cuộc, nhiều cánh đồng không còn gì để thu hoạch.
Năm 2012, Quảng Bình không có lũ lớn để thau rửa đồng ruộng, giảm bớt chuột và sâu bệnh gây hại cây trồng. Vụ đông xuân mới rồi, chuột ở Quảng Bình phát triển rất nhanh, nông dân nhiều nơi kêu trời.
Sang vụ hè thu, chuột đã trở thành vấn nạn ở vùng khô hạn này.
Ruộng bỏ hoang thành nơi chăn thả trâu bò. Thấy tiếc, nhiều người bán đồng cho các hộ thả nuôi vịt với giá 50 ngàn đồng/sào (tương đương một triệu đồng/ha). Số tiền này tương đương với lợi nhuận làm một sào lúa với giá bán hiện nay.
Chủ nhiệm HTX Thông Nhất Nguyễn Duy Viên cho biết, để giảm bớt diện tích ruộng bỏ hoang, HTX làm đất miễn phí và cung cấp đầy đủ nước cho 40ha ruộng rồi vận động xã viên sản xuất, thậm chí kêu gọi người ngoài HTX đến làm song chỉ một hộ ở xã bên nhận 20ha, nửa còn lại chưa ai nhận.
Quyền Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, Nguyễn Quang Năm, cho biết, tình trạng bỏ hoang một số diện tích đất ruộng vụ hè thu là có thật, tuy diện tích không lớn, địa phương đang vận động và hỗ trợ về thủy lợi, một phần giống lúa để người dân sản xuất.
Nhưng người nông dân bây giờ cũng có suy nghĩ riêng, tính toán thấy không có lãi, họ không gieo cấy lúa hè thu để thời gian làm các nghề khác kiếm thu nhập. Đây là bài toán khó của địa phương.
So với diện tích lúa hè thu đã xuống giống, số đất ruộng bỏ hoang chưa nhiều. Thế nhưng, xét về mặt xã hội thì việc nhà nông bỏ ruộng là rất đáng báo động.
Tỉnh Quảng Bình cần rà soát lại toàn bộ diện tích ruộng bỏ hoang không sản xuất để tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân canh tác hoặc chuyển đổi sang trồng các loại cây khác, giảm thấp nhất diện tích đất bỏ hoang.
Theo Nhandan
Theo Nhandan
Ý kiến ()