LSO-Năm 2010, mô hình trồng lạc TB5 được triển khai tại huyện Hữu Lũng trên 2 điểm là xã Hồ Sơn và xã Cai Kinh nhằm trình diễn, đưa giống mới đến với bà con nông dân. Thành công của mô hình đã mở ra cho người nông dân Hữu Lũng nói riêng và Lạng Sơn nói chung cơ hội nâng cao thu nhập từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý.Mô hình trồng lạc TB 25 của nông dân xã Hồ Sơn, Hữu LũngCũng như các huyện khác trong tỉnh, ở Hữu Lũng, nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do điều kiện còn hạn chế, chỉ một phần diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn trồng lúa, phần còn lại người dân thường phải trồng các loại cây ngắn ngày như lạc, đậu tương, cà chua, khoai lang... Riêng đối với cây lạc, bà con nông dân sử dụng giống cũ, lại sản xuất theo kinh nghiệm là chính nên năng suất thấp (trên 14 tạ/ha), hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Xuất phát từ nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tìm ra...
LSO-Năm 2010, mô hình trồng lạc TB5 được triển khai tại huyện Hữu Lũng trên 2 điểm là xã Hồ Sơn và xã Cai Kinh nhằm trình diễn, đưa giống mới đến với bà con nông dân. Thành công của mô hình đã mở ra cho người nông dân Hữu Lũng nói riêng và Lạng Sơn nói chung cơ hội nâng cao thu nhập từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý.
|
Mô hình trồng lạc TB 25 của nông dân xã Hồ Sơn, Hữu Lũng |
Cũng như các huyện khác trong tỉnh, ở Hữu Lũng, nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do điều kiện còn hạn chế, chỉ một phần diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn trồng lúa, phần còn lại người dân thường phải trồng các loại cây ngắn ngày như lạc, đậu tương, cà chua, khoai lang… Riêng đối với cây lạc, bà con nông dân sử dụng giống cũ, lại sản xuất theo kinh nghiệm là chính nên năng suất thấp (trên 14 tạ/ha), hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Xuất phát từ nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tìm ra giống mới thích hợp với điều kiện thiên nhiên cũng như điều kiện của địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất một vụ tại huyện Hữu Lũng”. Sau khi nghiên cứu, đánh giá 5 giống lạc: Đỏ Bắc Giang, MD9, L23, TB25 và A09, đơn vị thực hiện đề tài phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hữu Lũng xây dựng mô hình trồng lạc TB25 trên địa bàn 2 xã Cai Kinh và Hồ Sơn. Tham gia trồng thử nghiệm có 35 hộ gia đình với tổng diện tích 3ha; thời vụ gieo trồng từ tháng 2-5/2010. Ngoài việc được hỗ trợ giống, phân bón, các hộ nông dân tham gia mô hình còn được Ban chủ nhiệm đề tài, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp phổ biến kiến thức và hướng dẫn quy trình kỹ thuật để áp dụng hiệu quả vào canh tác.
Qua gần 4 tháng trồng thử nghiệm, giống lạc TB25 đã chứng tỏ khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái của huyện Hữu Lũng, cây sinh trưởng phát triển mạnh với thời gian trung bình 108 ngày, chiều cao cây bình quân 35,5cm; khả năng chống chịu sâu bệnh khá tốt (chỉ 2,5% bị héo xanh, 10,2% bị sâu đục quả…). Đặc biệt, TB25 cho năng suất cao: số quả chắc trên cây đạt trung bình 6,5 quả; tỷ lệ nhân đạt 75% và năng suất thực thu đạt 35,7 tạ/ha. Ông Hoàng Văn Sâm ở xã Hồ Sơn – một trong những hộ tham gia trồng thử nghiệm giống lạc mới cho rằng, với năng suất như vậy thì giống lạc TB25 cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với những giống quen thuộc mà bà con vẫn trồng. Theo tính toán, chi phí trồng lạc là 918.000 đồng/sào tương đương 25,5 triệu đồng/ha, với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg lạc vỏ, thì từ trồng lạc TB25, gia đình ông Sâm và các hộ khác có thể thu lãi thuần 10,2 triệu đồng/ha.
Giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Ngoạn-Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên-chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất một vụ tại huyện Hữu Lũng” nhận định: hiện nay, lạc là một trong những loại cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao và là mặt hàng nông sản xuất khẩu có khả năng thu lợi nhuận nhanh cho người sản xuất. Với diện tích gieo trồng lạc của Lạng Sơn mỗi năm từ 1.700-2.100ha, việc đưa những giống mới có năng suất cao và ổn định vào sản xuất sẽ không chỉ mở ra cho người nông dân hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập mà còn giúp địa phương sử dụng hợp lý, khai thác hiệu quả tài nguyên đất, phát triển nông nghiệp bền vững.
Bảo Vy
Ý kiến ()