Trong khó khăn thách thức càng phải làm theo gương Bác Hồ
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, đất nước vẫn đứng trước những thách thức lớn hơn, nặng nề hơn năm trước trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tình trạng tiêu cực tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi làm suy giảm niềm tin đối với Ðảng và Nhà nước.
Ðộc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đang bị thách thức. Các thế lực thù địch cấu kết với các phần tử cơ hội chính trị không từ bỏ mọi thủ đoạn chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Ðảng với nhân dân. Thực hiện âm mưu và thủ đoạn diễn biến hòa bình, bạo loạn, lật đổ. Chính bối cảnh của tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, chúng ta càng phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong, phong cách Hồ Chí Minh để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn thách thức tiến lên phía trước.
Còn nhớ, Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đã đứng trước một tình thế cực kỳ hiểm nguy: Chính quyền và nền độc lập vừa giành được lại đứng trước nguy cơ bị tước bỏ, chính quyền nhân dân có thể bị lật đổ, đất nước bị bao vây bốn phía, vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Gánh lấy trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Ðảng ta với phận sự của người cầm lái đã chèo chống “đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân” (1).
Sau Cách mạng Tháng 8-1945, Việt Nam gặp khó khăn trên tất cả các phương diện kinh tế, xã hội, quân sự, chính trị, ngoại giao…
Tình hình trên đòi hỏi Ðảng và chính quyền cách mạng phải có đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, phát huy sức mạnh của toàn dân để bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng.
Ngay ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời. Bằng tầm nhìn xa trông rộng và nghệ thuật lãnh đạo thiên tài của mình, Người đã chỉ ra sáu vấn đề cấp bách (giải quyết nạn đói, nạn dốt, tổ chức tổng tuyển cử, giáo dục lại nhân dân theo tinh thần cần kiệm liêm chính, bỏ các thứ thuế bóc lột và thực hiện tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết) cần làm ngay để thực hiện ba nhiệm vụ lớn là: diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ngày 25-11-1945 cũng xác định rõ mục tiêu của cách mạng Việt Nam lúc này vẫn là cách mạng giải phóng dân tộc, xác định kẻ thù chính là thực dân Pháp và những nhiệm vụ chủ yếu phải thực hiện: củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Chính quyền là vấn đề cơ bản của cách mạng, do vậy củng cố chính quyền cách mạng là nhiệm vụ hàng đầu. Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tổ chức sớm cuộc tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu để lập chính phủ chính thức, chấn chỉnh các cơ quan chính phủ, đồng thời kiện toàn chính quyền cách mạng từ Trung ương tới cơ sở. Dù các lực lượng phản cách mạng ra sức chống phá, nhưng kết quả bầu cử Quốc hội đầu tiên (6-1-1946) đã chứng minh niềm tin vững chắc vào nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nhân dân rất thông minh. Họ sẽ biết dùng lá phiếu của họ, tổng tuyển cử sẽ thành công!” (2). Tiếp đó, ngày 9-11-1946, Quốc hội thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta để khẳng định trên thực tế và về mặt pháp lý, một chính quyền thật sự do nhân dân xây dựng nên, của dân và vì dân. Ðể kiện toàn bộ máy nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký các sắc lệnh xác lập những nguyên tắc hoạt động của chính quyền nhân dân, như Người căn dặn “… các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân… Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh…” (3). Cùng với việc củng cố chính quyền, Ðảng chủ trương mở rộng khối đoàn kết toàn dân tạo cơ sở chính trị, xã hội rộng lớn bảo đảm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, của chế độ mới trước những khó khăn thử thách nặng nề.
Những biện pháp cơ bản để khắc phục nạn đói, phát triển kinh tế cũng như việc phát triển sản xuất nông nghiệp với khẩu hiệu “Không một tấc đất bỏ hoang” được Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt. Người đã đề nghị Hội đồng Chính phủ phát động chiến dịch tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Nhờ biện pháp đó, mỗi tuần nhân dân cả nước đã quyên góp được hàng vạn tấn gạo cứu đói. Nạn đói bị đẩy lùi, sản xuất nông nghiệp khôi phục nhanh và phát triển. Ðể xây dựng nền tài chính quốc gia và ngân sách quốc phòng, ngày 4-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh đặt ra Quỹ Ðộc lập và gửi thư kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng Tuần lễ vàng ủng hộ Chính phủ. Trong tuần lễ vàng (từ ngày 17 đến 24-9-1945) nhân dân trên cả nước đã đóng góp được 370 kg vàng và hơn 60 triệu đồng cho Quỹ độc lập và Quỹ đảm phụ quốc phòng. Nhiều nhà công thương ở Hà Nội ủng hộ Chính phủ hàng trăm lạng vàng và hàng triệu đồng. Những chính sách, biện pháp thúc đẩy sản xuất, tiết kiệm, khắc phục khó khăn về kinh tế, ổn định đời sống được nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả.
Vì coi “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch diệt giặc dốt rộng rãi khắp cả nước. Chỉ trong một năm, đã có 2,5 triệu người biết chữ. Việc xóa bỏ phong tục cổ hủ và tệ nạn xã hội của chế độ cũ và từng bước xây dựng đời sống văn hóa mới đã mang lại hiệu quả tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần của chế độ xã hội mới. Thắng lợi đó không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Nhân dân thêm tin tưởng, gắn bó và hết lòng ủng hộ chính quyền cách mạng, đóng góp công sức xây dựng đất nước và chế độ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều sách lược mềm dẻo, triệt để lợi dụng mâu thuẫn để phân hóa kẻ địch, tránh tình thế đương đầu cùng một lúc với nhiều kẻ thù, tập trung mũi nhọn vào kẻ thù nguy hiểm nhất: Buổi đầu, tạm thời hòa hoãn với Tưởng để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp. Nhưng khi tình thế thay đổi thì chủ trương hòa với Pháp để đẩy nhanh quân Tưởng và bọn tay sai ra khỏi nước ta được thực hiện một cách mau lẹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ (6-3-1946) và Tạm ước (14-9-1946). Ðây là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo, một mẫu mực tuyệt vời của sách lược lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch và nhân nhượng có nguyên tắc của Hồ Chí Minh và Ðảng ta. Nhờ đó, có được thời gian quý báu cho chính quyền cách mạng củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài với thực dân Pháp.
Nhận rõ dã tâm của thực dân Pháp muốn cướp nước ta một lần nữa, Bác và Ðảng ta đã quyết định tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước, với đường lối kháng chiến: toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Ðó là một quyết định lịch sử, chính xác, kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta trước vận mệnh của nước nhà. Trong những thời khắc của lịch sử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), lãnh đạo nhân dân Việt Nam vững vàng bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược làm nên thắng lợi vĩ đại Ðiện Biên Phủ 1954.
Trong biết bao vấn đề cấp bách, Hồ Chí Minh đã sáng suốt lựa chọn những vấn đề cấp bách nhất, để giải quyết kịp thời, có hiệu quả đưa đất nước từng bước vượt qua tình thế khó khăn, hiểm nghèo. Bài học lịch sử mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong Di sản bất diệt của Người là:
Phải gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa hẳn vào dân, vì lợi ích của nhân dân. Không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội. Ðó là nguồn gốc quyết định sức mạnh của chính quyền nhân dân trong các giai đoạn cách mạng. Một nhà nước của dân, do dân, vì dân sẽ là nhân tố quyết định làm cho cơ sở kinh tế và xã hội ngày càng lớn mạnh, như Hồ Chí Minh căn dặn “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được” (4). Lúc này đòi hỏi mọi cán bộ lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến cơ sở, cán bộ, đảng viên là công chức, viên chức hằng ngày tiếp xúc với dân, đều cần phải làm theo lời Người dạy “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” (5) là nguyên tắc làm việc, là thước đo đạo đức thì thật là hạnh phúc cho dân. Bộ máy nhà nước phải thường xuyên củng cố thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực hiệu quả tổ chức, quản lý mọi hoạt động kinh tế – xã hội theo pháp luật. Luôn đề cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, kiên định mục tiêu chiến lược, mềm dẻo về biện pháp sách lược, tranh thủ các lực lượng tiến bộ từ bên ngoài, phát huy nội lực bên trong tạo nên sức mạnh vật chất tổng hợp đủ sức để tăng sức mạnh và tạo điều kiện đưa cách mạng tiến lên. Mọi quyết sách đều phải xuất phát từ nguyên tắc “đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu”, chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, và phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trong bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh nào. Tập trung chăm lo công tác xây dựng Ðảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng. Giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Ðảng, bảo đảm đầy đủ dân chủ và kỷ luật trong sinh hoạt Ðảng. Chỉ có như vậy Ðảng mới có thể giữ vững và nâng cao hiệu quả Nhà nước.
TS CHU ÐỨC TÍNH
(Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh)
———————
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, T.4, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, H.2011, tr.191
(2). Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb.CTQG – ST, H.2005, tr.122
(3). Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, T.4, tr.64-65
(4). Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, T.4, tr.16
(5). Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, T.10, tr.260
Ý kiến ()