LSO-Kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông Ngô Văn Long (khối Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) lần giở những kỷ vật thiêng liêng trong cuộc đời người lính...Tạm biệt cuộc đời quân ngũ đã trên 30 năm, những gì ông giữ không nhiều: vài tấm ảnh xưa cũ của đồng đội, những dòng lưu bút ngắn ngủi và nét mực đã phai mờ theo năm tháng; đặc biệt là cuốn lịch tay năm 1969, kỷ niệm duy nhất khi ông tạm biệt miền Bắc thân thương vào chiến trường B3. Ký ức một thời cứ lần lượt hiện lên trong tâm trí ông như một bộ phim quay chậm...Gạo ơi, Định ơi, Thuận ơi, Hy ơi! Vậy là các em đã chết thật rồi. Các em chết mà anh còn sống...Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập - Ảnh: Tư Liệu Vào chiến trường B3 Tây Nguyên trong giai đoạn gian nan nhất của cuộc chiến tranh, mới 20 tuổi đời- cái tuổi “ăn không biết no” mà các anh đã phải chịu cảnh “mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng”. Cái “đói...
LSO-Kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông Ngô Văn Long (khối Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) lần giở những kỷ vật thiêng liêng trong cuộc đời người lính…
Tạm biệt cuộc đời quân ngũ đã trên 30 năm, những gì ông giữ không nhiều: vài tấm ảnh xưa cũ của đồng đội, những dòng lưu bút ngắn ngủi và nét mực đã phai mờ theo năm tháng; đặc biệt là cuốn lịch tay năm 1969, kỷ niệm duy nhất khi ông tạm biệt miền Bắc thân thương vào chiến trường B3. Ký ức một thời cứ lần lượt hiện lên trong tâm trí ông như một bộ phim quay chậm…Gạo ơi, Định ơi, Thuận ơi, Hy ơi! Vậy là các em đã chết thật rồi. Các em chết mà anh còn sống…
|
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập – Ảnh: Tư Liệu |
Vào chiến trường B3 Tây Nguyên trong giai đoạn gian nan nhất của cuộc chiến tranh, mới 20 tuổi đời- cái tuổi “ăn không biết no” mà các anh đã phải chịu cảnh “mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng”. Cái “đói quay đói quắt” của những mùa mưa Tây Nguyên thử gan bền người lính bằng năm bằng tháng chứ không phải chỉ là một vài ngày. Nhớ nhất trận đánh trên đèo Măng Giang, đúng dịp anh tròn 22 tuổi đời và 3 tuổi quân. Nhiệm vụ của Đại đội anh là đánh hạ cái chốt trên điểm cao 900 để làm nhiệm vụ cắt đường 19. Là đại đội trưởng của một đơn vị hầu hết đều sàn sàn tuổi nhau, anh được anh em quý mến và nhớ ngày sinh nhật. Trước khi đánh chốt, anh em bảo nhau cố lấy được thật nhiều chiến lợi phẩm để tổ chức sinh nhật Đại đội trưởng. Ác thay, địch không đông nhưng chốt cao khó đánh. Vì vậy cả 2 trung đội lên, đều trở về không nguyên vẹn. Khi cấp trên hỏi “Đại đội có còn được 1 trung đội không?”, anh nghẹn giọng báo cáo “còn tất cả 13 tay súng (kể cả tôi- đại đội trưởng). Đêm mưa, 13 tay súng dắt nhau bò ngược dốc trên 70 độ, gần sáng nghe lao xao tiếng địch mới biết gần đến nơi. Lệnh tất cả phải đứng thẳng, dùng AK quét ngược (nếu nằm hoặc quỳ bắn, đạn sẽ vọt đầu, không có tác dụng sát thương địch). Đồng tâm hiệp lực, chỉ khoảng 30 phút, anh em đã chiếm được chốt địch. Chưa kịp mừng, thì nghe ầm” một tiếng. Tương (Nông Danh Tương- quê Cao Bằng) đá phải mìn, trong cái chạng vạng của trận địa về sáng, mấy bóng chiến sĩ đổ vật xuống…còn anh, thấy chiếc giầy phải sũng nước, nhìn kỹ hóa ra là máu…Tưởng rằng mấy hộp thịt, hộp bánh chiến lợi phẩm mừng sinh nhật anh, ai ngờ trở thành đồ phúng đưa tiễn các em…
Năm 1969, sau đợt huấn luyện ngắn, từng đoàn quân đi cơ giới tập kết tại Phong Nha (Quảng Bình) và bắt đầu cuộc hành quân bằng đôi chân vào Tây Nguyên. Ròng rã vài tháng trời, khi đi khi nghỉ, anh em mới thuộc hết tên và quê quán của nhau, còn tính nết phải được thể hiện qua từng trận đánh. Song thời gian chiến trường sôi động từng ngày, thay đổi từng giờ, mới biết sơ qua đã người còn kẻ mất. Năm ngoái (2009), nhân dịp kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn- đường mòn Hồ Chí Minh, anh là một trong số 25 CCB của Lạng Sơn cùng đoàn CCB miền Bắc gồm 450 người tham gia đợt giao lưu “Vang mãi bản hùng ca Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh”. Trước hàng vạn ngôi mộ đồng đội có tên và chưa có tên tại nghĩa trang Đường Chín, nghĩa trang Trường Sơn, anh không nói được lời nào, đôi mắt hướng về nơi xa, tâm hồn lắng lại nghĩ suy… Suốt mấy chục năm ròng, người Việt Nam mong có ngày thống nhất, sự mong mỏi đó được Đảng truyền cho trở thành quyết tâm lớn của toàn dân tộc, của từng chiến sĩ; để ngày hôm nay, xe các anh bon bon trên đường Hồ Chí Minh thênh thang tựa dải Trường Sơn suốt từ Bắc vào Nam. Ngồi trên xe, chẳng ai bảo ai, nhưng tất cả đều hiểu rằng, con đường ấy được trải bằng máu xương của dân tộc, của chính những đồng đội thân thiết của mình.
Đèo Măng Giang hôm nay vẫn những dãy núi trùng trùng, cánh rừng biêng biếc; những mái nhà dưới thung lũng mù xa, hun hút lam chiều nhà ai nhóm lửa. Ai có biết Trung đoàn Măng Giang một thời máu lửa; và đồng đội của anh với cái chốt 900, địch ít, nhưng điểm cao khó đánh… Ký ức của người chỉ huy trận đánh về những đồng đội, người may mắn trở về đã làm đến chức Tư lệnh Quân khu, và những đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường. Mái đầu đốm bạc cúi xuống nhìn thật kỹ vài tấm ảnh đã phai, tay lần giở bức thư của anh Tường ở Vĩnh Phúc “nhà mình ở bên sông, qua vài trận lũ, nước đã “nuốt” hết ruộng vườn, nhà cửa; nay vào lại Tây Nguyên- vào chiến trường nương nhờ đồng đội”.
Như người mộng du, ông kể cho tôi nghe những chuyện chiến trường tưởng như vụn vặt, xưa cũ, song đối với ông, nó vẫn tươi mới, vì hằng đêm nó vẫn đi vào giấc mơ của ông, của người CCB đã 35 năm trở về với cuộc sống thời bình…
Minh Hồng (Ghi theo lời kể của ông Nông Văn Long)
Ý kiến ()