Trọng dụng nhân tài sau độc lập của Hồ Chí Minh
LSO-Ngay sau khi Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập công bố với quốc dân, đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng là lúc thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt bủa vây khiến cho một đất nước còn non trẻ rơi vào tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Lúc ấy Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị tìm người tài giúp nước. Chỉ thị ấy với tư tưởng trọng nhân tài của Người đã góp phần đưa thế nước đi lên.
Cán bộ và nhân dân xem trưng bày những mô hình áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất tại Lạng Sơn |
Nhân tài là nguyên khí quốc gia, không phải đến thời đại Hồ Chí Minh người ta mới nhắc đến điều đó, mà đã từ lâu cha ông ta đã luôn biết và trọng dụng hiền tài. Nhưng có thể khẳng định rằng trong lịch sử dựng nước và giữ nước, hiếm có vị lãnh tụ nào lại mở rộng lòng với nhân sĩ, trí thức, thu phục được nhiều nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước như Hồ Chí Minh. Điều đó đã khiến cho hàng chục, hàng trăm trí thức trong nước, ngoài nước xa rời nhung lụa để về nước sống kham khổ, cùng kháng chiến và kiến quốc.
Ngay sau khi dành được độc lập, ngày 14/11/1945, Bác ra lời kêu gọi “Nhân tài và Kiến quốc” chỉ thị cho các làng, xã, huyện, tỉnh tìm người tài cho chính phủ. Bác viết: “Các địa phương phải lập tức điều tra, nơi nào có người tài đức, có thể làm được những điều ích nước lợi dân thì phải lập tức báo cáo cho Chính phủ biết… Hạn trong một tháng các địa phương phải báo cáo đủ”. Lúc bấy giờ người tài là những người tài đức được trọng vọng trong xã hội, không phân biệt dưới triều đại nào chỉ cần có lòng yêu nước, giúp nước, vì nước. Trong số trí thức ấy, cụ Huỳnh Thúc Kháng là một điển hình sinh động. Khi Bác mời cụ Huỳnh ra giúp nước, ban đầu cụ từ chối vì vốn theo chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn. Tam dân nặng về chủ nghĩa dân tộc, còn những người cộng sản vượt lên trên tinh thần dân tộc hướng tới tầm quốc tế. Sau bức điện thứ 2 rất khẩn thiết của Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh mới miễn cưỡng từ Huế ra Hà Nội, nhưng trước khi đi cụ nói với nhân sĩ Huế: “Tôi chỉ muốn ra xem cụ Hồ là người thế nào, sau để bày tỏ ý kiến, còn các việc khác tôi không thể nhận”. Ngay khi gặp cụ Huỳnh, cụ Hồ đã chạy đến ôm chầm như người thân lâu ngày gặp lại. Và đêm ấy hai cụ nằm bên nhau để đàm việc nước. Theo Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, Học Viện Chính trị hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, vì sự thịnh tình, trọng dụng nhân tài ấy mà cụ Huỳnh đã “chịu” nhậm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Sau khi Hồ Chí Minh sang Pháp dự hội nghị Phông- ten -nơ -bơ -rô đã ủy quyền cho cụ Huỳnh thay mình để lo việc nước. Trước sự tin tưởng của cụ Hồ, cụ Huỳnh đã dốc sức vì nước và trong thời gian đó rất nhiều chính sách mới được ban hành có lợi cho dân, cho nước. Đặc biệt đã đập tan nhiều âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ trong đó có vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu nổi tiếng trong lịch sử.
Ngay sau khi nước nhà độc lập, Bác đã kêu gọi các tầng lớp trí thức về nước bằng chính lòng yêu nước của Người. Hơn thế, nước Việt Nam độc lập đã có sức hút lớn đối với những người yêu nước. Họ sẵn sàng vượt qua gian khổ để phục vụ tổ quốc, trở về tổ quốc, làm công dân của một nước độc lập. Đó là các vị nhân sĩ trí thức như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Xiển, Tôn Thất Tùng, Lương Định Của, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Trần Văn Giầu, Hoàng Minh Giám… là những trí thức lớn đã giúp Chính phủ đưa đất nước đi lên. Trong giới trí thức đó có những người thân với triều đình cũ, có người chưa là đảng viên. Họ đồng ý ra giúp nước vì được Hồ Chí Minh trọng dụng nhưng hầu hết họ không chịu nhận các chức vụ như bộ trưởng hoặc các chức vụ cao khác. Lúc ấy Bác lại phải thuyết phục. Như với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Bác nói: “Chú nhận làm Bộ trưởng là để chia chữ cho đồng bào”. Với sự trọng đãi của Bác, ông Nguyễn Văn Huyên đã “chịu” làm bộ trưởng và cũng từ đây sau ngày độc lập 95% dân số không biết chữ thì 9 năm sau đã có khoảng 70% dân số Việt Nam biết đọc, biết viết nhờ công tác phổ cập giáo dục phổ thông mà cho đến nay điều đó vẫn còn nguyên giá trị. Cũng theo Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, cách dụng nhân tài của Hồ Chí Minh là mạnh dạn giao việc, giao trọng trách kể cả những người chưa là đảng viên, đã từng phục vụ triều đình nhà Nguyễn như cụ Bùi Bằng Đoàn. Mạnh dạn giao trọng trách nên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu đã nghiên cứu ra rất nhiều loại vũ khí chỉ có ở Việt Nam như thiết bị rà phá thủy lôi GK1, thiết bị phá bom từ trường GK2. Trần Đại Nghĩa chế tạo ra súng SKZ, DKZ có tầm hỏa lực hơn cả súng Pháp, súng Mỹ sau này. Rồi từ mạnh dạn giao trọng trách, phát huy sức sáng tạo độc lập của giới trí thức bằng cách trọng dụng nhân tài mà Việt Nam có Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ đã làm rạng danh nền y học nước nhà. Cũng từ lời kêu gọi hiền tài của Bác mà giáo sư Lương Định Của bỏ cả cơ đồ nơi đất khách, về Việt Nam chịu gian khổ để xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam xứng tầm khu vực và quốc tế.
Trọng dụng nhân tài, quý trọng tri thức, mạnh dạn giao việc, không phân biệt, là những đúc kết qua các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh về đạo trọng nhân, trọng hiền. Qua đó đã quy tụ được một đội ngũ tri thức hàng đầu đất nước, xây dựng những viên gạch đầu tiên cho nền độc lập của nước nhà những ngày chính quyền còn non trẻ.
Tài liệu tham khảo
Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, Tập 5 NXB CT QG 1995.
Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, chương trình Cao cấp HVCT HC Quốc gia 2010.
Bài giảng của Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, HVCTHC Quốc gia.
Ý kiến ()