Trồng dâu nuôi tằm - hướng thoát nghèo ở xã biên giới Cao Bằng
Mô hình trồng dâu, nuôi tằm ở xã biên giới Cao Bằng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: báo Cao BằngCao Bằng với địa hình đất đai nhiều đồi dốc, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho fbà con để tìm hướng thoát nghèo là bài toán rất khó khăn. Hiện nay mô hình trồng dâu nuôi tằm xuất khẩu đang là hướng đi đúng đắn, đang từng bước góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Mô hình trồng dâu nuôi tằm được thực hiện thí điểm tại 19 hộ nông dân tại xóm Nà Thin và xóm Bó Rằng, xã Cần Yên, huyện Thông Nông. Các hộ tham gia thí điểm mô hình được cung ứng giống cây dâu tằm, diện tích thực hiện là 4,1 ha, được cung ứng các vật liệu để thực hiện mô hình như: khung, lưới, thuốc, vòng sắt, bình phun và gần 7 kg giống tằm con. UBND huyện Thông Nông đã tổ chức cho các hộ nông dân đi thăm quan thực tế mô hình trồng dâu nuôi tằm tại huyện Nà Po (Trung Quốc) và huyện Hà Quảng của tỉnh, sau đó tổ chức các...
Cao Bằng với địa hình đất đai nhiều đồi dốc, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho fbà con để tìm hướng thoát nghèo là bài toán rất khó khăn. Hiện nay mô hình trồng dâu nuôi tằm xuất khẩu đang là hướng đi đúng đắn, đang từng bước góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.
Mô hình trồng dâu nuôi tằm được thực hiện thí điểm tại 19 hộ nông dân tại xóm Nà Thin và xóm Bó Rằng, xã Cần Yên, huyện Thông Nông. Các hộ tham gia thí điểm mô hình được cung ứng giống cây dâu tằm, diện tích thực hiện là 4,1 ha, được cung ứng các vật liệu để thực hiện mô hình như: khung, lưới, thuốc, vòng sắt, bình phun và gần 7 kg giống tằm con. UBND huyện Thông Nông đã tổ chức cho các hộ nông dân đi thăm quan thực tế mô hình trồng dâu nuôi tằm tại huyện Nà Po (Trung Quốc) và huyện Hà Quảng của tỉnh, sau đó tổ chức các buổi tập huấn: Cách trồng dâu, chăm sóc đúng kỹ thuật; cách nuôi và thu hoạch hiệu quả đối với kén tằm.
Sau hơn 10 tháng thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, giá bán kén tằm ra thị trường là 120.000/kg, trung bình 1 lứa (hơn 20 ngày) thu được hơn 5 triệu đồng. Anh Đặng Văn Bạch, xóm Nà Thin chia sẻ: sau một thời gian tham gia mô hình gia đình tôi đã biết cách trồng và chăm sóc, đến nay, mỗi lứa gia đình tôi bán ra thị trường gần 30kg kén tằm. Đặc biệt, cây dâu tằm còn có thể sử dụng trồng xen canh được với các loại cây trồng khác.
Hà Quảng là huyện có tỷ lệ hộ nghèo nhất của tỉnh Cao Bằng. Trong khi chính quyền và nhân dân đang băn khoăn với câu hỏi làm gì để thoát nghèo thì nghề nuôi tằm đã đến với người dân xã Sóc Hà, thắp lên hy vọng mới cho nông dân. Với giá thu mua kén như hiện nay, trồng dâu nuôi tằm được coi là hiệu quả số một trong các loại cây trồng, vật nuôi của huyện nghèo này.
Anh Trương Văn Thạch, nông dân xóm Nà Cháo, xã Sóc Hà – người được UBND huyện lựa chọn để hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình trồng dâu nuôi tằm cho biết: “Lứa tằm vừa rồi, tôi trồng 1.500 m2 cây dâu, mua 0,5 kg giống tằm về nuôi. Đến cuối vụ thu hoạch được 44 kg kén, bán được hơn 5 triệu đồng. Một lứa tằm 20 ngày, tôi đã có thu nhập 4 triệu đồng, một khoản thu nhập mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể đạt được…”. Theo anh Thạch, trồng cây dâu rất dễ. Cày đất thành luống, cho phân, chặt cành dâu cắm xuống. Nuôi tằm không tốn nhiều kinh phí đầu tư, chỉ cần làm một căn nhà nuôi đơn giản, thiết kế thoáng mát, chống chuột, kiến; chặt tre làm nong, trồng dâu. Mỗi ngày hái lá dâu và cho tằm ăn 3 – 4 lần, chỉ mất khoảng 2 tiếng, thời gian còn lại có thể làm đồng hoặc các công việc khác.
Từ thành công của mô hình nuôi thử nghiệm, ở xóm Nà Cháo, xã Sóc Hà, đến nay, rất nhiều người dân huyện Hà Quảng đang quan tâm đến trồng dâu nuôi tằm. Toàn huyện đã có hơn 100 hộ dân trồng dâu nuôi tằm. Nhiều thương gia từ Hải Dương, Sơn La đã đến tìm hiểu và đặt vấn đề mua kén tằm.
Ông Nông Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng cho biết: Cây dâu rất dễ trồng, có thể chống chịu hạn hán tốt, một lần trồng có thể cho thu hoạch 10 năm. Hà Quảng có nhiều xã vùng cao, người dân sống trên lưng chừng núi, điều kiện sản xuất quá khó khăn nên có tới gần 90% hộ nghèo. Huyện đang hy vọng đưa cây dâu lên trồng tại các xã vùng cao. Nếu thành công, đây sẽ là bước đi đột phá giúp người dân cải thiện thu nhập, thậm chí làm giàu. Trồng dâu nuôi tằm không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, vốn đầu tư không lớn nên người dân vùng cao hoàn toàn có thể làm chủ kỹ thuật sau một vài lứa nuôi. Mỗi năm có thể nuôi được 10 lứa tằm, thu nhập ước tính đạt 240 – 260 triệu đồng/ha/năm, cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa.
Tuy nhiên, hiện nay các hộ gia đình mới chỉ sản xuất và bán ra thị trường Trung Quốc, chưa có đại diện của Nhà nước đứng ra ký kết lâu dài cho bà con, nên vẫn còn hiện tượng người dân bị các tư thương ép giá. Mong rằng, trong thời gian tới, tỉnh có hướng phát triển bền vững mô hình trồng dâu nuôi tằm, bao tiêu sản phẩm cho người dân, giúp bà con an tâm sản xuất, nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trong huyện, phát triển thành hàng hoá mũi nhọn, góp phần xoá đói, giảm nghèo ở địa phương. |
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()