Trồng cây mắc ca ở xã Tân Văn: Hướng phát triển kinh tế mới
(LSO) – Với những ưu điểm như: dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, giá bán và đầu ra ổn định… những năm gần đây, cây mắc ca được người dân xã Tân Văn trồng trên những diện tích đất canh tác kém hiệu quả. Hướng đi này đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Ông Nông Văn Viên, thôn Kéo Coong là một trong những người tiên phong trồng cây mắc ca ở xã Tân Văn. Năm 2012, qua tìm hiểu kỹ thuật trồng cây mắc ca, ông đã tìm mua 300 cây giống về trồng. Ông Viên cho biết: “Ban đầu, tôi lấy giống về trồng với ý định xem đất này có phù hợp hay không, sau 5 năm chăm sóc, cây sinh trưởng phát triển tốt và bắt đầu bói quả. Năm 2018, vườn mắc ca thu về hơn 3 tạ hạt, tôi sấy và bán với giá 200.000 đồng/kg, trừ chi phí tôi có thu nhập 50 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tôi mở rộng diện tích, hiện nay đã trồng được 600 cây”.
Ông Nông Văn Viên, thôn Kéo Coong, xã Tân Văn chăm sóc cây mắc ca
Nhận thấy hiệu quả kinh tế thiết thực từ mô hình của ông Viên, một số hộ dân ở xã Tân Văn đã đưa cây mắc ca vào trồng. Đến nay, xã Tân Văn có khoảng 250 hộ trồng mắc ca với diện tích khoảng 30 ha. Ông Phạm Văn Trượng, thôn Lân Khinh cho biết: Mắc ca là cây trồng có sức sống mạnh mẽ, ít sâu bệnh, tuổi thọ cao. Có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa mưa. Đặc biệt, phù hợp ở những nơi có khí hậu mát và khô hạn xen kẽ, chỉ cần phát cỏ và bón phân bổ sung. Sau 5 đến 6 năm trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay, gia đình tôi đã chuyển đổi đất trồng cây cho thu nhập thấp sang trồng hơn 500 cây mắc ca, hiện cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo người trồng mắc ca ở xã Tân Văn, quả mắc ca có 2 lớp, vì vậy, sau khi thu hái, người dân có thể bán quả tươi cả vỏ với giá trung bình từ 35.000 đồng đến 50.000 đồng/kg hoặc bán hạt tươi với giá từ 75.000 đồng đến 80.000 đồng/kg. Ngoài ra, vỏ tươi của quả mắc ca có thể kết hợp với chế phẩm sinh học ủ hoai mục trở thành nguồn phân vi sinh rất tốt để bón cho cây trồng.
Xác định phát triển cây mắc ca có thể giúp người dân từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo, từ năm 2019 đến nay, từ các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã Tân Văn đã định hướng, hỗ trợ người dân trồng mắc ca. Cùng với đó, để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc mắc ca để người dân áp dụng vào thực tế và tuyên truyền người dân liên kết sản xuất. Năm 2018, trên địa bàn xã đã thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Tân Văn, trong đó trồng cây mắc ca với diện tích 14,7 ha. Tham gia hợp tác xã, các thành viên có cơ hội học hỏi kinh nghiệm về cách trồng, chăm sóc cây mắc ca và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nông Duy Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Văn cho biết: Hiện nay, người dân trồng mắc ca ở xã yên tâm về đầu ra vì có Công ty Cổ phần Mắc ca – Sachi Lạng Sơn bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền người dân lựa chọn và đưa vào trồng giống cây mắc ca đảm bảo chất lượng, từng bước giúp người dân nâng cao thu nhập, thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền xã cũng định hướng phát triển cây mắc ca trở thành cây chủ lực ở địa bàn.
Ý kiến ()