Trên phạm vi toàn tỉnh hiện nhiều hộ nông dân đã có cuộc sống ổn định nhờ chuyển dịch các loại cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tăng hệ số sử dụng đất, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Chính vì vậy, việc trồng cây khoai tây sớm ở Quan Bản cần được nhân rộng hơn nữa, và nếu bà con mạnh dạn sử dụng giống mới vào sản xuất, chắc chắn thời gian tới sẽ có nhiều hộ thoát nghèo hơn nữa.
LSO-Thời điểm hiện tại, trên các cánh đồng ở một số huyện trên địa bàn tỉnh, bà con nông dân đang nỗ lực chăm sóc và bảo vệ cây khoai tây. Trong khi đó ở xã Quan Bản (Lộc Bình), bà con nông dân đã thu hoạch xong vụ khoai tây đông. Trồng khoai tây vụ đông sớm và mạnh dạn ứng dụng giống khoai tây mới sạch bệnh vào sản xuất đã giúp một số hộ ở Quan Bản bán khoai tây được giá cao.
Nông dân xã Khánh Khê (Văn Quan) thu hoạch khoai tây vụ xuân
Theo các chuyên viên trong ngành bảo vệ thực vật, nông dân Lạng Sơn chưa mạnh dạn ứng dụng giống mới vào sản xuất. Thời gian qua, mặc dù Sở NN&PTNT, cùng với Sở KH&CN đã đưa vào trồng thực nghiệm thành công giống khoai tây mới sạch bệnh, nhưng trên một số cách đồng ở Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng…, trên một số cánh đồng, bà con vẫn sử dụng giống khoai tây Trung Quốc – đây là giống khoai có nhiều mắt, hình thức và chất lượng không cao. Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thanh, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Lộc Bình cho biết: theo đúng thời vụ thì thời điểm này đã phải thu hoạch cây khoai tây. Bà con nông dân bước vào vụ khoai tây muộn, thời tiết nóng lên cây sẽ dễ bị nhiễm bệnh, và chất lượng cũng sẽ giảm. Không những vậy, nếu bà con mạnh dạn ứng dụng giống khoai tây Hà Lan và trồng khoai tây vụ đông sớm hơn thì chi phí chăm sóc cũng giảm, bà con không phải mất tiền và công sức phun thuốc trừ sâu, bệnh. Trên thực tế , hiện Lộc Bình đã có một số diện tích khoai tây bị nhiễm bệnh mốc sương. Ngược lại với đó, một số hộ ở xã Quan Bản mạnh dạn ứng dụng giống mới và trồng sớm khoai tây vụ đông đã mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định. Ông Hà Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã cho biết: một số hộ gia đình trên địa bàn xã đã triển khai thực hiện thí điểm sản xuất khoai tây đông vụ sớm với diện tích gần 1ha. Thời điểm gieo trồng của các diện tích này sớm hơn hẳn so với khung thời vụ truyền thống, do vậy mới đầu xuân, trong khi các địa phương các đang đẩy mạnh chăm sóc, thì Quan Bản đã được thu. Theo Chủ tịch xã, khoai tây vụ đông trồng sớm không bị sâu bệnh, chất lượng củ to và đẹp, và thu hoạch sớm, bán sớm nên khoai tây giống Hà Lan bán được giá (12.000đồng/kg). Ông Hợp khẳng định rằng, năm tới, xã sẽ vận động bà con đẩy sớm vụ lên và nhân rộng diện tích trồng khoai tây giống mới. Cây khoai tây vụ đông được trồng khá phổ biến ở Lạng Sơn, đây là một trong những cây trồng có thu nhập khá cao trên một đơn vị diện tích, với các giống được sử dụng chủ yếu là VT2 nhập từ Trung Quốc, nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, năng suất giống khoai tây này mới đạt bình quân từ 300-500kg/sào. Nguyên nhân năng suất thấp là do người dân trồng chưa tuân thủ các quy trình kỹ thuật, và trên hết, bà con vẫn mua giống trôi nổi trên thị trường, chất lượng giống không đảm bảo. Đặc biệt, bà con chưa mạnh dạn thay đổi giống mới sạch bệnh vào sản xuất. Chính vậy, mặc dù cây khoai tây đã trở thành cây chủ lực trong cây trồng vụ đông xuân nhưng hiệu quả kinh tế mạng lại chưa cao. Minh chứng rõ nhất cho câu chuyện này là ở huyện Lộc Bình, vụ khoai tây năm 2011, bà con đã tồn hơn 8.000 tấn khoai tây sau khi thu hoạch không bán được, thiệt hại kinh tế hàng chục tỷ đồng. Bài học nhãn tiền của năm trước đã rõ, vậy nhưng bước sang vụ khoai tây năm nay, phần nhiều bà con vẫn chưa rút kinh nghiệm, người nông dân không chỉ ở huyện Lộc Bình, mà ở cả Cao Lộc, Tràng Định… vẫn chủ yếu sử dụng giống khoai tây Trung Quốc trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc. Lãnh đạo Sở KH&CN cho biết: nhiều huyện như Lộc Bình, Cao Lộc, Tràng Định… hiện phát triển mạnh cây khoai tây. Nhận thấy điều đó, với chức năng của ngành, từ năm 2009, Sở đã giao cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nghiên cứu đưa vào ứng dụng các loại giống khoai tây mới như Atlantic, Diamant, Salara… thay các loại giống cũ. Mục đích của việc này là để nông dân Lạng Sơn có thể mua giống khoai tây chất lượng tốt ngay tại địa phương, không phải mua các loại giống trôi nổi trên thị trường. Nhưng thực tế, diện tích trồng khoai tây giống mới vẫn chưa nhiều.
Trên phạm vi toàn tỉnh hiện nhiều hộ nông dân đã có cuộc sống ổn định nhờ chuyển dịch các loại cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tăng hệ số sử dụng đất, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Chính vì vậy, việc trồng cây khoai tây sớm ở Quan Bản cần được nhân rộng hơn nữa, và nếu bà con mạnh dạn sử dụng giống mới vào sản xuất, chắc chắn thời gian tới sẽ có nhiều hộ thoát nghèo hơn nữa.
Trí Dũng
Ý kiến ()