Trở lại vùng quê cách mạng ở Bạc Liêu
Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch lúa. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, huyện vùng sâu Hồng Dân là một trong những vùng quê cách mạng trung dũng, kiên cường. Nhiều năm liền, Tỉnh ủy Bạc Liêu và Khu ủy Tây Nam Bộ đã chọn xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) là căn cứ cách mạng.Cán bộ và đồng bào nơi đây đã không sợ gian khổ và hy sinh, chiến đấu bảo vệ cán bộ của Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước...Kiên cường trong kháng chiếnSau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, xã Ninh Thạnh Lợi và huyện Hồng Dân - nơi đặt khu căn cứ của Tỉnh ủy Bạc Liêu và Khu ủy Tây Nam Bộ đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Quân dân - du kích Anh hùng. Đặc biệt, tại xã Ninh Thạnh Lợi, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, không chỉ có Khu căn cứ cách mạng nổi tiếng, mà cho đến...
Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch lúa. |
Cán bộ và đồng bào nơi đây đã không sợ gian khổ và hy sinh, chiến đấu bảo vệ cán bộ của Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…
Kiên cường trong kháng chiến
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, xã Ninh Thạnh Lợi và huyện Hồng Dân – nơi đặt khu căn cứ của Tỉnh ủy Bạc Liêu và Khu ủy Tây Nam Bộ đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Quân dân – du kích Anh hùng. Đặc biệt, tại xã Ninh Thạnh Lợi, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, không chỉ có Khu căn cứ cách mạng nổi tiếng, mà cho đến nay nhiều cán bộ, nhân dân trong huyện và tỉnh không thể nào quên chiếc hầm bí mật của đồng chí Lê Duẩn trong những năm tháng đồng chí từng hoạt động cách mạng tại một số tỉnh Tây Nam Bộ…
Mới đây, tôi có dịp trở lại xã Ninh Thạnh Lợi, để tìm hiểu rõ hơn về mảnh đất anh dũng, kiên cường trong những năm kháng chiến. Đặc biệt, tôi có dịp tìm hiểu về chiếc hầm bí mật mà đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Võ Văn Kiệt đã từng được đồng bào, chiến sĩ nơi đây bảo vệ, che giấu; đồng thời hiện còn lưu giữ một số hiện vật khác như bàn làm việc, gỗ kê ghế ngồi năm xưa của nhiều đồng chí lãnh đạo Khu ủy Tây Nam Bộ và Tỉnh ủy Bạc Liêu…
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến gia đình Tư Biển, ở ấp Ngô Kim (xã Ninh Thạnh Lợi) hiện đang lưu giữ, bảo vệ chiếc hầm bí mật từng là nơi che giấu đồng chí Lê Duẩn. Mặc dù được nghe kể về những chiếc hầm bí mật ở xã Ninh Thạnh Lợi đã lâu, nhưng hôm nay về thăm tôi mới thật sự được “mắt thấy, tay sờ” hiện vật đặc biệt này. Ông Tư Biển mới mất cách đây vài tháng, thọ 82 tuổi, hiện nay các con của ông đang cất giữ những hiện vật này. Các con ông cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Tư Biển từng phụ trách Ban an ninh xã. Biết được vị trí đặt hầm bí mật, sau ngày đất nước thống nhất, ông Tư Biển đã huy động thanh niên trong xóm đưa về nhà mình cất giữ, bảo quản. Chiếc hầm còn khá nguyên vẹn, có dạng hình ống, đúc bằng bê-tông cốt thép. Chiều cao hầm khoảng 1,2 m, bán kính 1,5 m, dày 20 cm, miệng hầm đủ rộng để một người chui lọt.
Theo một số cán bộ lão thành ở huyện Hồng Dân, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều đồng chí cán bộ cao cấp của Trung ương và Khu ủy Tây Nam Bộ thường xuyên về đây chỉ đạo cách mạng nhưng ở lại không lâu, chừng một vài tháng. Lúc đó ít ai biết danh tính những “cán bộ thượng cấp”, mãi sau này mới được cán bộ tỉnh, huyện cho biết trong số cán bộ đó có đồng chí Lê Duẩn, khi ấy là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ – Bí thư Trung ương Cục miền Nam, trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền nam những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và sau này, tại Khu căn cứ cách mạng Cái Chanh ở xã Ninh Thạnh Lợi, các đồng chí Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh… cũng đã từng nhiều lần về đây hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bạc Liêu và các tỉnh Tây Nam Bộ…
Đồng chí Trần Tấn Đạt, Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho chúng tôi biết thêm: Chiếc hầm ở nhà ông Tư Biển mà hiện nay gia đình ông còn lưu giữ, từng nhiều lần được cán bộ, nhân dân địa phương làm nơi che giấu đồng chí Lê Duẩn trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt.
Vươn lên từ trong gian khó
Xã Ninh Thạnh Lợi hiện nay được tách thành hai xã (Ninh Thạnh Lợi và Ninh Thạnh Lợi A). Không chỉ kiên cường trong chiến tranh, sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc, từ trong máu lửa đạn bom, Đảng bộ và nhân dân hai xã Anh hùng này đã phát huy truyền thống quê hương, quyết không cam chịu nghèo hèn, nỗ lực vươn lên ngày một đổi mới, phát triển. Qua khảo sát mới đây, huyện Hồng Dân đã đưa ra con số rất ấn tượng về sự đổi mới ở xã Ninh Thạnh Lợi A: Trong tổng số hơn 2.000 hộ dân của xã, hiện có tới gần 500 hộ giàu, 698 hộ khá, gần 100 hộ có thu nhập một tỷ đồng trở lên/năm. Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A, ông Nguyễn Hồng Thái tự hào khẳng định: “Nhiều mô hình cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, thậm chí đến vài tỷ đồng/năm đã được nông dân trong xã thi đua áp dụng như nuôi cá chình, cá bống tượng, cá sấu; nuôi tôm, cua, cá kết hợp; nuôi tôm dưới chân cây lúa một bụi đỏ…”.
Chúng tôi gặp và trò chuyện với ông Lê Văn Nguyên (Năm Nguyên), 57 tuổi ở ấp Nhà Lầu 1, xã Ninh Thạnh Lợi A. Bên vuông tôm làm nên sản nghiệp, ông Năm Nguyên nhớ lại: “Hơn 20 năm trước vùng này còn là “cánh đồng chó ngáp”, nhiều diện tích đất bỏ hoang vì nhiễm phèn mặn nặng. Mấy tháng mùa lũ nước lêu bêu, dân sống bằng nghề giữ trâu thuê. Mùa khô nước mặn tràn vô, phèn dậy đỏ nước”. Những năm 80 của thế kỷ 20, tuổi thanh niên của ông Năm Nguyên trôi qua trên chiếc ghe thương hồ mua bán hàng tạp hóa. “Một lần, khoảng cuối năm 1985, khi chèo ngang Đại Ngãi (Sóc Trăng), tôi nhìn thấy căn nhà gác gỗ của đôi vợ chồng cất cặp mé sông mà thèm nhỏ nước miếng. Nghĩ thấy tủi, mãi tới gần ba mươi tuổi mới biết mặt mũi cái nhà lầu nó ra làm sao. Càng nghĩ tui càng quyết tâm phải tính cách làm ăn cho khấm khá, cất nhà lầu ngay tại xóm” – ông Năm kể.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A Nguyễn Hồng Thái, nhiều cán bộ chủ chốt của xã không chỉ biết lãnh đạo, mà còn giỏi về sản xuất nông nghiệp, chỉ đạo và tham gia cùng vợ con sản xuất, làm kinh tế gia đình không thua kém nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi. Nhiều người còn là nông dân giỏi trước khi là cán bộ ấp, xã. Nhiều người trong số họ đã phấn đấu từ nghèo khó vươn lên khá giàu. “Đó là một lợi thế vì có làm giỏi hơn dân thì nói dân mới nghe. Mặt khác, khi cán bộ đã có đời sống kinh tế ổn định sẽ an tâm, tập trung hết công sức cho việc cơ quan…” – ông Nguyễn Hồng Thái lý giải.
Theo Nhandan
Ý kiến ()