Trở lại quỹ đạo
Trong bài viết đăng trên mạng báo Bưu điện Washington hôm 6-6, trước thềm chuyến thăm châu Âu, Tổng thống Mỹ J.Biden nêu rõ, mục tiêu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị lãnh đạo Nhà trắng là hiện thực hóa cam kết mới của Mỹ với các đồng minh, đối tác truyền thống. Ðồng thời, khẳng định năng lực của “liên minh các nền dân chủ” ứng phó thách thức trong bối cảnh mới.
Theo lịch trình được Nhà trắng công bố, Tổng thống J.Biden dự Hội nghị cấp cao Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Anh từ ngày 11 đến 13-6, trước khi tới Bỉ dự Hội nghị cấp cao Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và gặp các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) ngày 14-6. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên thường được các Tổng thống Mỹ thực hiện không lâu sau khi nhậm chức và luôn được dư luận theo sát, bởi phản ánh những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Song, đại dịch Covid-19 đã khiến vị tổng thống thứ 46 của “xứ cờ hoa” có chuyến ra mắt muộn hơn so thông lệ. Việc lựa chọn điểm đến và chương trình nghị sự chuyến thăm châu Âu của ông Biden cho thấy, mục tiêu khôi phục quan hệ lâu đời xuyên Ðại Tây Dương được chính quyền mới ở Mỹ đặt lên vị trí hàng đầu.
Quan hệ giữa Mỹ với EU và các đồng minh NATO ở châu Âu vừa đi qua giai đoạn nguội lạnh, thậm chí chạm đáy, được cho là xuất phát từ chính sách “nước Mỹ trước tiên”, cũng như do tranh cãi về thương mại và đòi hỏi chia sẻ công bằng các “hóa đơn” của NATO. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống J.Biden đã phát đi thông điệp muốn sớm khôi phục hợp tác với các đồng minh, đối tác ở châu Âu. Trong những sự kiện chung đầu tiên với châu Âu, lãnh đạo Nhà trắng cũng luôn bày tỏ thiện chí “hồi sinh” và tái thiết hợp tác xuyên đại dương với EU, với những tuyên bố mạnh mẽ như “Mỹ đã trở lại, liên minh xuyên Ðại Tây Dương đã trở lại”. Giới chức Nhà trắng tận dụng các cơ hội ngoại giao để nêu bật thông điệp Mỹ cam kết cùng châu Âu cài đặt lại mối quan hệ, hai bên cùng chia sẻ giá trị và lợi ích chung, cùng phối hợp ứng phó thách thức mới, như dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, hay an ninh mạng…
Lần đầu dự Hội nghị cấp cao NATO và trao đổi trực tiếp với các nhà lãnh đạo EU là “cơ hội vàng” để Tổng thống Mỹ khẳng định thiện chí bằng những cam kết mới với đồng minh, đối tác. Nhà trắng nêu rõ, tại các sự kiện này, Tổng thống J.Biden sẽ củng cố các cam kết của Mỹ với chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy các ưu tiên chính sách của Washington về tăng cường sức khỏe cộng đồng, phục hồi kinh tế và ứng phó biến đổi khí hậu. Ðồng thời, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác, đoàn kết và chia sẻ các giá trị chung giữa các nền dân chủ lớn. Trong bài viết trên Bưu điện Washington, Tổng thống J.Biden nêu rõ, trong các cuộc tiếp xúc trực tiếp với giới lãnh đạo châu Âu, ông sẽ khẳng định cam kết kiên định của Mỹ với các đồng minh, bảo đảm liên minh xuyên Ðại Tây Dương vững mạnh trước thách thức. Mỹ ủng hộ các đồng minh theo đuổi mục tiêu châu Âu toàn thể, tự do và hòa bình.
Cuộc gặp của Tổng thống J.Biden với các nhà lãnh đạo G7 diễn ra không lâu sau khi nhóm các nước giàu đạt đồng thuận lịch sử về áp thuế doanh nghiệp toàn cầu với mức tối thiểu 15%. Mỹ đánh giá cao cam kết này và sẽ cùng G7 thúc đẩy đạt thỏa thuận cuối cùng, nhằm chặn đứng “cuộc đua xuống đáy”, khi các nước áp thuế mức cực thấp hoặc miễn thuế với các tập đoàn đa quốc gia. Theo Tổng thống J.Biden, với việc trở lại “ghế chủ tịch” trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, Mỹ cam kết đóng góp, thúc đẩy tiến bộ trong việc kiềm chế cuộc khủng hoảng khí hậu và tạo việc làm thông qua tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu…
Các đồng minh, đối tác luôn giữ vị trí quan trọng trong các mối quan hệ đối ngoại của Mỹ và việc củng cố các liên minh truyền thống được xác định là một trụ cột chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống J.Biden. Nỗ lực vực dậy quan hệ xuyên Ðại Tây Dương được lựa chọn là đường hướng đối ngoại ưu tiên, bởi còn giúp Mỹ tăng tốc trở lại chính sách can dự toàn cầu. Với sự ủng hộ của châu Âu, mục tiêu tái thiết hợp tác xuyên đại dương của Mỹ đang có thuận lợi. Song, tiến trình cải thiện quan hệ sắp tới không dễ dàng, khi hai bên còn những khúc mắc, nhất là trong một số vấn đề chủ chốt, như thương mại, đóng góp tài chính cho hoạt động của NATO, hay ý tưởng đang nổi lên ở châu Âu về tăng tính tự chủ của EU, giảm phụ thuộc “ô an ninh” của Mỹ…
Các cuộc gặp tới đây giữa các nhà lãnh đạo ở hai bờ Ðại Tây Dương vì thế được kỳ vọng có thể tháo bỏ khúc mắc, sớm khôi phục liên minh truyền thống, đưa hai bên trở lại quỹ đạo hợp tác vốn có.
Theo Nhandan
Ý kiến ()