tle=”Trợ giúp sinh viên yên tâm học tập”> Sinh viên Trường đại học FPT được tạo điều kiện vừa học tại trường vừa làm việc tại các doanh nghiệp. Kỳ 2: Những “cú huých” giúp sinh viên vượt khó (Tiếp theo và hết)(*)
Việc tìm kiếm một nơi “an cư” đã khó, trong lúc giá cả thị trường thay đổi từng ngày lại càng tác động tới đời sống sinh viên (SV).
Trong hoàn cảnh đó, cùng với những cơ chế, chính sách của Nhà nước, sự trợ giúp của các trường, nhiều SV phải tìm việc làm để có đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt cũng như tích lũy kinh nghiệm thực tế và kỹ năng chuyên môn có việc làm phù hợp sau khi ra trường.
Đa dạng việc làm
Hiện nay, tìm thêm việc làm đối với SV rất đa dạng, có việc phù hợp chuyên môn của mình như: làm gia sư, vẽ quảng cáo, PR… nhưng cũng có việc trái với ngành nghề được đào tạo như: bán hàng, phát tờ rơi, phục vụ quán ăn… SV Tống Thị Kim Hằng (khoa Ngữ văn Anh, Trường đại học KHXH và NV – ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, qua giới thiệu của Trung tâm Hỗ trợ SV thành phố Hồ Chí Minh đã xin được việc làm phục vụ tại một nhà hàng ở quận 1. Hằng ngày được tiếp xúc với khách nước ngoài, Hằng có điều kiện trau dồi ngoại ngữ nên giờ đây khả năng giao tiếp cũng khá lên nhiều. Nguyễn Văn Toàn, SV năm thứ tư ngành vật lý (Khoa Sư phạm – Trường ĐH Đà Lạt) đã có “thâm niên” bốn năm dạy kèm. Toàn tâm sự: “Bố em mất sớm, mẹ bệnh tật, ba anh em đều đang đi học. Em phải tự kiếm sống và lo việc học, mỗi tháng cũng kiếm được từ hai đến ba triệu đồng”. Ngoài ra, Toàn còn có nghề chụp ảnh dạo cho khách du lịch. Em Đỗ Minh Quyết, SV năm thứ ba của Học viện Tài chính Hà Nội, chia sẻ: Do hoàn cảnh khó khăn, tiền gia đình gửi lên chỉ đủ đóng tiền học, cho nên qua một người bạn em đã được giới thiệu vào làm việc dán màn hình điện thoại cho khách hàng. Ngoài ra, khi có khách gọi điện muốn giao hàng tận nhà, em xung phong đi để được nhận 20 nghìn đồng/lần giao hàng, mỗi tháng cũng kiếm được từ 700 đến 800 nghìn đồng. Tại một KTX, chúng tôi còn bắt gặp tiếng rao bán bánh mì của một sinh viên nghèo, em là Hoàng Thị Trường, học K44, Khoa Văn, Trường đại học Sư phạm (ĐH Thái Nguyên)…
Có thể nói, để kiếm được một việc làm ổn định đối với SV không phải là điều dễ dàng. Khi chúng tôi có mặt trên tuyến phố Tây ở đường Phạm Ngũ Lão và Võ Thị Sáu (TP Huế) treo bảng cần tuyển người làm, chỉ hơn một giờ đồng hồ đã có hàng chục SV đến xin việc. Tuy nhiên, việc ít mà người đến xin việc lại nhiều. Ngoài những SV đi làm thêm để trang trải cuộc sống, còn có những SV đi làm thêm chỉ vì muốn trau dồi thêm vốn kiến thức của mình. Nguyễn Ngọc Minh, SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội), ngoài thời gian học còn tranh thủ đi đây đó lấy tư liệu để viết bài, cộng tác với mấy tờ báo. Sau này khi ra trường, chắc rằng Minh có thêm kinh nghiệm và không bỡ ngỡ với nghề.
Đi làm thêm để góp phần phục vụ đời sống, học tập nhưng cũng có những rủi ro trong cách kiếm việc làm của SV. Tại Trường ĐH An Giang khá nhiều sinh viên trở thành hội viên làm thêm bằng cách bán hàng đa cấp, thương mại điện tử (BHĐC – TMĐT) gặp cảnh tiền mất, tật mang. “Điều lo lắng nhất là khi gia nhập công ty BHĐC – TMĐT, các bạn sẽ tìm mọi cách để có tiền đóng phí ban đầu, kể cả việc sử dụng nguồn vốn vay dành cho sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội. Vì vậy, nhà trường sẽ kiểm điểm nghiêm túc vấn đề này” – Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH An Giang, Thạc sĩ Trương Thanh Hải nói với chúng tôi như vậy. Mặt khác, nhiều SV vì mải mê đi làm mà lơ là việc học ảnh hưởng đến kết quả học tập cuối kỳ. Như trường hợp của bạn Trần Thị Soa (Trường cao đẳng Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh) do thời gian đi làm về quá khuya nên không có thời gian học bài dẫn tới học lực sút kém. Cuối học kỳ vừa qua, Soa phải thi lại ba môn.
Thực tiễn đặt ra, nhiều trường ĐH, CĐ đã chủ động, cố gắng tạo cơ hội tìm việc làm cho SV. Điển hình như tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên, hằng năm giới thiệu khoảng 30 nghìn đầu việc cho các SV có nhu cầu; riêng từ đầu năm đến nay, đã giới thiệu được hơn 20 nghìn việc cho các SV. Để hỗ trợ SV tìm việc, trung tâm cũng đã gửi các thông tin về việc làm cho hơn 30 trường ĐH, CĐ trên địa bàn. Ngoài ra, trung tâm cũng thường xuyên tổ chức ngày hội việc làm, trong đó, các doanh nghiệp sẽ trực tiếp phỏng vấn SV. Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống SV cho biết, từ những hoạt động như thế, nhiều SV đã tìm được việc làm phù hợp khả năng và chuyên ngành học của mình, trong đó nhiều SV còn được các doanh nghiệp tuyển dụng vào các vị trí chính thức ngay sau khi ra trường.
Còn tại Trường ĐH Cần Thơ, theo Phó trưởng Phòng Công tác HS, SV Vũ Viết Châu, mỗi năm trường tổ chức hội chợ việc làm ba lần, thu hút đông SV đã tốt nghiệp và sắp tốt nghiệp gặp gỡ các doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng. Khi tiếp nhận các thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, ĐH Cần Thơ gửi thư điện tử cho SV phù hợp nhu cầu tuyển dụng. Nhờ vậy, trong quá trình học và sau khi ra trường, nhiều SV tìm được việc làm phù hợp chuyên môn”. Trong khi đó, Bí thư Đoàn ĐH Huế Nguyễn Công Hào chia sẻ: Hằng năm, các trung tâm gia sư, câu lạc bộ SV tại các trường thuộc ĐH Huế cũng đã giới thiệu từ 1.500 đến 2.000 SV đi làm thêm với mức thu nhập khoảng 400 nghìn đồng/tháng trở lên… Tại Trường ĐH Đà Lạt, trên bảng tin của Đoàn trường thường xuyên thông báo danh mục việc làm, nếu SV nào thấy phù hợp thì đăng ký và câu lạc bộ sẽ trực tiếp giao người đến việc. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, SV Ngô Bá Khôi, học năm thứ tư Khoa Ngữ văn – Văn hóa học cho biết: Lâu nay em vẫn tìm việc làm thêm trên bảng tin Đoàn trường. Hiện tại em phục vụ các nhà hàng tổ chức đám cưới trong thành phố. Thường thì làm việc một ngày được trả từ 100 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng.
Tạo “điểm tựa” để sinh viên vượt qua khó khăn
Trong bộn bề những khó khăn vất vả, không chỉ có những cố gắng, nỗ lực của các sinh viên, các trường ĐH, CĐ mà Nhà nước cũng có nhiều cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các SV theo đuổi ước mơ học tập. Trong đó, chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (TD HS, SV) đang trở thành kênh tín dụng quan trọng hỗ trợ, giúp đỡ những sinh viên thuộc gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn… giảm bớt gánh nặng trong chi phí học tập.
Khi chúng tôi đến trụ sở xã Xuất Hóa (thị xã Bắc Cạn, tỉnh Bắc Cạn), người ra vào tấp nập để vay vốn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên, đợt giải ngân trong tháng chín này, vui nhất có lẽ là chị Nguyễn Thị Son, người dân tộc Tày ở bản Đồn I, có con thứ ba vừa đỗ Đại học Thái Nguyên đến để vay vốn cho con chuẩn bị nhập trường. Chị Son tâm sự: “Vợ chồng tôi làm ruộng, sản xuất chỉ đủ ăn, may mắn là cả ba con gái của tôi đều chăm ngoan, lần lượt thi đỗ đại học. Không có chương trình cho HS, SV vay vốn, chắc chắn vợ chồng tôi phải bán trâu, bán ruộng lấy tiền cho các con đi học”.
Nhiều năm nay Nam Định là địa phương có chất lượng giáo dục nói chung tỷ lệ học sinh đỗ đại học nói riêng cao nhất, nhì cả nước. Chị Nguyễn Thị Ích ở xóm Mỹ Gôi, huyện Vụ Bản, hàng chục năm nay, một mình gánh vác cả gia đình, nuôi hai con ăn học. Nhà có bốn sào ruộng, không đủ ăn, cho nên chị phải chạy chợ, làm thuê, nhận việc làm tại nhà để có thêm thu nhập, nhưng kể cả khi khó khăn nhất, chưa bao giờ chị nghĩ đến việc để các con nghỉ học. Năm 2010, con trai lớn Nguyễn Thế Hùng đỗ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Chưa hết vui mừng, nghe hàng xóm nói cho con đi học mỗi tháng tốn tiền triệu, chị giật mình lo lắng. Đang định bụng khuyên con chấp nhận đi làm rồi học sau thì Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Gôi Trần Khắc Lộc đến nhà thông báo gia đình chị đủ điều kiện vay vốn tín dụng HS, SV. Hôm nhận tiền giải ngân cho vay học kỳ đầu của con, chị Ích như muốn khóc vì vui mừng.
Chương trình TD HS, SV đã sớm phát huy được ý nghĩa nhân văn của mình. Tuy nhiên, sau hơn ba năm triển khai, chương trình vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra để đồng vốn thật sự đến được với HS, SV một cách nhanh chóng, phát huy được hiệu quả và ý nghĩa thiết thực. Theo Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Bắc Cạn Phạm Lê Ngà, ở miền núi, khoảng cách giữa hộ nghèo và cận nghèo rất mong manh, chỉ cần một trận thiên tai, dịch bệnh là hộ cận nghèo lại trở thành hộ nghèo; gia đình không thuộc diện nghèo nhưng có hai con đi học đại học trong lúc giá cả tăng cao cũng gặp khó khăn về kinh tế. Chị Trần Thị Lụa, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn phường Vị Xuyên, TP Nam Định chia sẻ: Việc tuyên truyền vay vốn sinh viên ở các trường học chưa được quan tâm đúng mức, phần lớn HS, SV đi học đều cho rằng mình thuộc đối tượng được vay và lấy giấy xác nhận gửi về ngân hàng với số lượng rất lớn, gây áp lực cho những tổ trưởng tiết kiệm và vay vốn ở địa phương.
Mặt khác, theo Bộ GD và ĐT, một số trường, HS, SV chưa nắm được đầy đủ nội dung, ý nghĩa của chương trình này. Tại một số địa phương, một số tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, hội đoàn thể nhận ủy thác chưa sát sao trong việc tổ chức thực hiện. Qua ba năm thực hiện, ngành GD và ĐT, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội và các cấp chính quyền kiểm tra phát hiện 357 xã, 46 cơ sở đào tạo xác nhận sai đối tượng; 3.488 hộ gia đình không đúng đối tượng thụ hưởng chính sách, do bình xét nể nang; 77 hộ gia đình và 59 HS, SV sử dụng vốn vay sai mục đích. Theo Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Văn Lý: Bước vào năm học mới 2011-2012 mức cho vay tín dụng HS, SV tăng từ 900 nghìn đồng lên một triệu đồng/HS, SV/tháng. Rút kinh nghiệm của những năm trước, năm nay nguồn tiền giải ngân cho học kỳ I, nguồn vốn cho học sinh, sinh viên vay được triển khai từ sớm, hơn năm nghìn tỷ đồng sẵn sàng trên tài khoản. Tuy nhiên, việc xác nhận đối tượng được vay vốn ưu đãi của UBND xã là việc làm mang tính trách nhiệm xã hội cao. Để xác định đúng đối tượng, các địa phương phải điều tra cẩn thận, nhất là đối tượng HS,SV thuộc hộ cận nghèo với tiêu chí mới; các hộ gặp khó khăn đột xuất như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh tai nạn… dẫn đến con không có tiền đi học, hoặc đang học nhưng có khả năng phải bỏ học.
Có thể nói, trong bộn bề những khó khăn, lo toan của đời sống, học tập, SV đi làm thêm là việc bình thường. Vì vậy các tổ chức hội, đoàn thể trong các trường cần chú trọng tăng cường phối hợp các tổ chức, cá nhân nhằm giới thiệu việc làm cho SV đồng thời gắn quá trình đào tạo với nhu cầu thực tiễn xã hội để tăng cơ hội việc làm, học đi đôi với hành. Tiếp tục phát huy được những ưu điểm của chương trình TD HS, SV nhằm phát huy ý nghĩa nhân văn, thiết thực, góp phần thực hiện tốt việc đào tạo nguồn nhân lực trong công cuộc CNH, HĐH đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()