Trợ giúp sinh viên yên tâm học tập
|
Kỳ 1:Vất vả lo chỗ ăn, ở
Những ngày đầu năm học mới, thấy chúng tôi có ý định tìm hiểu về chỗ ăn, ở của SV, Phó trưởng Ban công tác chính trị học sinh, sinh viên (HS, SV) Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: Dù được đánh giá là một trong những ký túc xá (KTX) có điều kiện ăn, ở tốt nhất cả nước, các phòng ở đều khép kín, có kết nối in-tơ-nét, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; phòng chất lượng cao có điều hòa… nhưng KTX ĐHQGHN cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% số SV có nhu cầu, còn lại chủ yếu ở ngoại trú.
Trong khi đó, Giám đốc Ban quản lý KTX Trường đại học Bách khoa Hà Nội Phạm Thanh Nghì thì than thở: Nhu cầu SV thì nhiều lắm nhưng chỗ ở trong KTX chẳng thấm tháp vào đâu. KTX Trường đại học Bách khoa có thể đón nhận 4.300 SV. Tuy nhiên, mỗi năm trường tuyển sinh hàng nghìn SV và năm sau luôn cao hơn năm trước cho nên chỗ ở trong KTX chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của SV.
Không chỉ ở KTX các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ở Hà Nội mà phần lớn KTX trên cả nước đều trong tình trạng quá tải, “cung” không đáp ứng được “cầu”. Có được một chỗ ở trong KTX là mơ ước của nhiều SV vì giá cả hợp lý, các dịch vụ thiết yếu đi kèm luôn được bảo đảm. Chia sẻ với chúng tôi, Lê Thị Mỹ Vân, SV năm thứ hai Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH và NV) – ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Được sống trong môi trường KTX ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh thật may mắn. Ở đây có hệ thống cây xanh, cảnh quan trong KTX rất đẹp. Không chỉ đầy đủ về tiện nghi sinh hoạt mà còn rèn luyện cho em tinh thần sống tập thể rất tốt”. Có những KTX còn nhiều hạn chế nhưng vẫn là điểm “an cư” tốt cho các SV. Vi Thị Thiêm, SV năm thứ ba Trường ĐH Văn hóa (TP Hồ Chí Minh) cho biết: KTX của trường được cải tạo từ một chung cư cũ cho nên giống một khu trọ hơn. Tuy nhiên, ở KTX thuận lợi cho việc học tập và bảo đảm an ninh tốt hơn ở trọ bên ngoài rất nhiều nên chúng em vẫn muốn được ở trong KTX.
Thực tế cho thấy, mặc dù vẫn còn một số hạn chế nhưng SV ở trong KTX luôn được bảo đảm những điều kiện tốt nhất cho cuộc sống tự lập và việc học tập của mình, nhất là bảo đảm chi phí hợp lý, nền nếp sinh hoạt, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh cho SV nội trú.
Do chỗ ở trong KTX các trường chỉ chiếm một phần nhỏ so với nhu cầu cho nên phần lớn SV phải tự đi thuê ở những xóm trọ với hàng loạt những phát sinh trong đời sống học tập của mình từ chuyện giá cả đắt đỏ, điều kiện học tập nghiên cứu cũng như an ninh trật tự… chưa tốt. Tại TP Long Xuyên (An Giang) từ đầu năm 2011 đến nay, đa số các mặt hàng thiết yếu đều đồng loạt tăng giá từ 10% trở lên. Tất cả khiến đời sống SV, sau thời gian nghỉ hè, trở lại giảng đường ĐH phải “chóng mặt” với tình hình tăng giá leo thang. SV Trần Thanh Mỹ Ngọc, quê huyện Tri Tôn (An Giang), học năm thứ hai khoa Sư phạm, Trường đại học An Giang chia sẻ: “Năm học đầu, chỉ cần bỏ ra 350 nghìn đồng là em đã thuê được một phòng trọ khá tốt gần trường (bao cả tiền điện, nước). Tuy nhiên, đầu năm học này, chủ nhà trọ đã tăng tiền phòng lên 450 nghìn đồng/phòng, thu tiền điện ba nghìn đồng/kW giờ và chuẩn bị gắn đồng hồ để thu tiền nước. Em chưa biết phải lo liệu ra sao!”. Còn SV năm thứ nhất Nguyễn Văn Mạnh (Đại học Huế), quê ở Hà Tĩnh than thở: “Vô Huế hơi muộn nên em đi tìm mấy ngày mới được chỗ trọ. “Tiền nào của nấy”, giá thuê 450 nghìn đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước, nên phòng trọ ở xa trường, chật chội, chỉ để được một chiếc giường nhỏ và bàn học là đã chật cứng. Đây là mức giá mà em thấy bớt lo lắng khi bố mẹ chỉ có thể chu cấp hằng tháng 1,2 triệu đồng”.
Đáng chú ý, tại khu vực tổ ba, phường Tân Lập (TP Thái Nguyên) chúng tôi thấy những dãy nhà bán mái xây kiểu tường một bổ trụ. Người dân trong vùng nói đó là khu nhà không tên, không nội quy, không quy chế, không người quản lý, không tường rào, không người bảo vệ… do tư nhân xây cho SV thuê. Một SV dân tộc Tày (quê Cao Bằng), học ở Trường cao đẳng Kinh tế – Tài chính cho biết, thuê phòng trọ ở đây gần ba năm. Giá thuê phòng trọ khu này khá đắt, cuối tháng, chủ nhà trọ đến thu tiền một lần, còn lại chẳng ai quan tâm…
Đồng bộ các giải pháp trợ giúp đời sống sinh viên
Có thể nói, dù ở trong hay ngoài KTX đều đặt ra yêu cầu các trường cũng như các cấp chính quyền cần có những giải pháp, cách làm hay nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc ăn, ở, học tập của SV. Theo Phó trưởng Ban công tác chính trị HS, SV ĐHQGHN Nguyễn Thị Tuyết, ngoài những chỗ ở trong KTX, trung tâm hỗ trợ SV cũng như các câu lạc bộ SV của các trường thành viên còn tổ chức giới thiệu chỗ ở ngoại trú cho SV, nhất là các SV năm học đầu với giá cả hợp lý và bảo đảm an ninh. Trong quá trình học tập, các SV đều phải báo cáo kịp thời về chỗ ở của mình thường xuyên để làm cơ sở đánh giá rèn luyện, đạo đức. Đáng chú ý, ngoài những cơ chế chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, ĐHQG Hà Nội còn tích cực tìm kiếm các học bổng, hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước trao cho SV vượt khó học giỏi mỗi năm khoảng hơn một nghìn suất vừa tạo động lực để các em hăng hái học tập, vừa góp phần giúp đỡ SV giảm bớt khó khăn. Ngoài ra, ĐHQG Hà Nội còn được Ngân hàng UOB tài trợ hơn sáu tỷ đồng để SV vay, không tính lãi…
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Quản lý KTX ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh Trần Thanh An cho biết, ngoài việc đầu tư của ngành GD và ĐT, của TP Hồ Chí Minh, năm 1996 ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh đã tìm hướng giải quyết chỗ ở bằng cách kêu gọi các địa phương xây dựng KTX cho SV địa phương mình. Từ ba dãy nhà ban đầu của các tỉnh Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu và Vĩnh Long, đến nay đã có 20 dãy nhà cao tầng do 14 tỉnh, thành phố khu vực phía nam đầu tư xây dựng… Đến Trường ĐH Cần Thơ thấy rõ sự nỗ lực của các địa phương trong vùng chung tay, góp sức bảo đảm chỗ ăn, chỗ ở cho SV học tập tại đây. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Thành Lập, nguồn nhân lực trình độ cao của Hậu Giang còn thấp, SV còn khó khăn hơn so một số tỉnh, thành phố trong khu vực. Vì vậy, để trợ giúp các em, tỉnh Hậu Giang đầu tư xây dựng KTX để SV có chỗ ở, yên tâm học tập, sau này các em trở thành nguồn lao động có trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thời gian tới, Hậu Giang tiếp tục đầu tư 36 tỷ đồng xây dựng KTX 500 chỗ ở ĐH Cần Thơ.
Nhiều địa phương đã có sự phối hợp tốt trong công tác quản lý SV. Theo Trưởng ban công tác SV Đại học Huế Nguyễn Duy Chinh, từ năm 2008 đến nay, Đại học Huế đã ký kết văn bản với Công an thành phố Huế trong việc quản lý SV ngoại trú. Lãnh đạo TP Đà Nẵng và các cấp chính quyền địa phương quan tâm tới vấn đề an ninh trật tự, triển khai nhiều chương trình tiêu biểu như các chương trình “năm không”, “ba có”. Lực lượng công an, dân quân tự vệ đi tuần tra, kiểm tra hằng đêm nên hạn chế rất nhiều tình trạng tệ nạn xã hội, bảo đảm sự yên bình cho cuộc sống người dân, trong đó có SV ngoại trú.
Việc bảo đảm an toàn cho SV có điều kiện sống và học tập tốt cần được chú trọng. Theo Vụ trưởng Vụ Công tác HS, SV (Bộ GD và ĐT) Ngũ Duy Anh, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho SV, từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án giải quyết chỗ ở cho SV các trường ĐH, CĐ với tổng diện tích xây mới khoảng 970 nghìn m2; cải tạo, nâng cấp 730 nghìn m2. Trong đó, theo kế hoạch với tổng mức đầu tư trong năm 2009 và 2010 sẽ giải quyết chỗ ở cho hơn 330 nghìn SV. Đồng thời, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, phần lớn các trường ĐH, CĐ trên cả nước đều tiến hành ký kết các kế hoạch phối hợp với chính quyền, công an địa phương để phối hợp triển khai công tác SV ngoại trú… Đáng chú ý, trước biến động của giá cả sinh hoạt, Bộ GD và ĐT đã có công văn đề nghị và được nhiều địa phương hưởng ứng vận động người dân không tự ý tăng giá phòng, điện, nước đối với SV, giúp cho SV các trường vượt qua khó khăn trong cuộc sống, vươn lên trong học tập…
| Vụ trưởng công tác HS, SV (Bộ GD và ĐT) Ngũ Duy Anh: Do địa bàn HS, SV ở ngoại trú quá rộng, thường xuyên thay đổi cho nên việc quản lý của nhiều trường chưa được thường xuyên… Bộ GD và ĐT khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng KTX phù hợp với đúng thiết kế, quy hoạch chung của trường thuận lợi quản lý, giáo dục toàn diện HS, SV…
Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP Hồ Chí Minh ngày 25-9 tổ chức Ngày hội Đồng hành cùng sinh viên và doanh nghiệp. Tại đây, các sinh viên, học sinh được tham gia nhiều hoạt động như: phỏng vấn thử, thành công thật; giới thiệu hai nghìn việc làm miễn phí; thảo luận, trao đổi các kỹ năng sống trong công việc và cuộc sống. Dịp này, các doanh nghiệp trao 200 suất học bổng tặng sinh viên các trường đại học, cao đẳng có hoàn cảnh khó khăn và đạt thành tích cao trong học tập. |
| – Hiện nay số chỗ ở trong các KTX chỉ đáp ứng khoảng 20% đến 22% nhu cầu HS,SV. – Nhà ăn tại các trường đáp ứng khoảng 60% nhu cầu HS, SV. – 100% KTX có nội quy, quy định và có cán bộ thường trực 24/24 giờ. (Bộ GD và ĐT) |
Ý kiến ()